Tăng chất lượng dịch vụ xe buýt để hút khách

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện.

Trong đó xác định xe buýt là loại hình vận tải công cộng chủ lực.
Vì sao người dân chưa mặn mà?

Hiện tại, Hà Nội đang triển khai nhiều dự án lớn xây dựng giao thông công cộng như Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Dự án đường sắt Metro… nhưng những dự án này đều đang trong giai đoạn thi công, chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay. Phương tiện giao thông công cộng sẵn có nhất hiện nay ở Hà Nội là xe buýt. Các tuyến xe buýt không ngừng được đầu tư, phát triển, song phương tiện này vẫn có những điểm hạn chế nhất định, cần cải thiện, đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hành khách đi xe buýt tại Bến xe Long Biên. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều người phản ánh, với đoạn đường chưa đến chục ki lô mét, nhưng đi xe buýt mất gần tiếng đồng hồ, vào các khung giờ cao điểm thì kéo dài hơn. Do đó, xe buýt vẫn chỉ phù hợp với học sinh, sinh viên và người về hưu. Một vấn đề đáng lưu ý nữa, theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), sau một thời gian tăng trưởng liên tục, từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, năm 2014, tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 506 triệu lượt thì bước sang năm 2015 giảm xuống còn 469 triệu lượt, năm 2016 giảm còn 436 triệu lượt và năm 2017 dự kiến đạt 450 triệu lượt. Nguyên nhân là do UTGT đã dẫn tới phá vỡ biểu đồ hoạt động của xe buýt, tính đúng giờ không được bảo đảm; lộ trình một số tuyến quá dài và thời gian di chuyển kéo dài; mạng lưới kết nối chưa tốt với các khu vực ngoại thành, khu đô thị mới...

Nâng cao chất lượng

Để thực hiện được mục tiêu giảm UTGT nội đô Hà Nội, ngoài các phương án vĩ mô, dài hơi như đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, di dời các cơ quan, trường học ra ngoài nội đô… TP cũng cần sớm có biện pháp quan tâm, tạo điều kiện hơn cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Qua đó để mỗi người dân khi quyết định lựa chọn loại hình vận tải công cộng sẽ cảm thấy thuận tiện, không phiền hà. Đơn cử như việc xây dựng thêm điểm trông giữ xe tại các khu vực gần bến xe buýt và dành thêm đường đi ưu tiên cho người đi bộ đến các điểm đỗ xe buýt. Khi người dân cảm thấy đi phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, thoải mái, thì sẽ dần từ bỏ thói quen dùng phương tiện cá nhân.

Phương án khả thi nhất hiện nay để giảm UTGT là phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thu hút mọi người dân sử dụng xe buýt. Trong một hội thảo gần đây, có chuyên gia thông tin, khi hỏi về việc hạn chế xe cá nhân trong nội thành, nhiều người trả lời sẵn sàng đi xe buýt nếu quá trình di chuyển thuận lợi hơn. "Hiện nay, điểm chờ xe buýt chưa phủ kín rộng khắp, mới chỉ tập trung trên các tuyến đường lớn nên nhiều người còn ngại. Ngoài ra, một bộ phận người dân có nơi ở và nơi làm việc gần điểm chờ xe buýt cũng sẵn sàng đi bộ đến các trạm dừng bắt xe song lại chưa có đường đi thuận tiện" - một chuyên gia phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khuyến khích người dân đi lại bằng xe buýt, cần quy hoạch tuyến từ nhà ra bến xe không quá 500m, đầu tư thêm nhà chờ; cải thiện các dịch vụ, hình thức bán vé một cách đơn giản hơn, không tạo cảm giác căng thẳng cho hành khách đi xe. Với điều kiện giao thông hiện nay của TP, việc các tuyến xe buýt chạy đúng giờ, đúng tuyến rất khó, nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra để bảo đảm đúng thời gian quy định, tránh việc người dân bị trễ giờ, trễ chuyến.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến năm 2020, TP sẽ mở rộng thêm 60 tuyến buýt hướng ra ngoại thành và phát triển xe buýt ở những địa bàn còn trống trong nội đô. TP đã xây dựng lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng, sẽ đảm bảo mọi người đều có thể sử dụng được xe buýt và chỉ phải đi bộ khoảng 300 - 500m có thể tiếp cận các điểm đón xe.