Như vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, đây được coi là nghị quyết quan trọng nhằm cải thiện tầm vóc, thể lực của học sinh Hà Nội; đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của Thủ đô trong tương lai.
Chương trình sữa học đường Quốc gia được Chính phủ phê duyệt năm 2016 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em. Và Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương khá chủ động trong việc triển khai và đã có được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 của Hà Nội là 4.188 tỷ đồng. Mặc dù đây không phải là khoản kinh phí lớn nhưng điều quan trọng là phải làm sao để mọi người dân, DN thấy rõ tầm quan trọng trong việc đồng hành cùng chương trình. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần) trong 9 tháng của năm học. Mức hỗ trợ từ ngân sách là 30%, từ DN cung cấp sữa là 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách hỗ trợ 50%. Với chủ trương này, ngân sách hỗ trợ 1.293 tỷ đồng; DN cung cấp sữa hỗ trợ 891 tỷ đồng và phụ huynh đóng góp 2.004 tỷ đồng. Như vậy ngoài việc bảo đảm tốt cho chương trình mà không để làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, Nghị quyết đã có sự phối hợp vận động được các nguồn lực xã hội, trong đó đặc biệt là sự vào cuộc của ngành giáo dục, nhà trường, DN và phụ huynh. Điều này không chỉ phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhiều gia đình mà nó còn giúp không ít gia đình khó khăn, nhất là vùng nông thôn tiếp cận với một chương trình lớn giàu tính nhân văn.Mặc dù vậy, sau khi Nghị quyết được ban hành vẫn còn nhiều việc để làm. Trước mắt đó là cần có kế hoạch và những yêu cầu cụ thể, chặt chẽ đối với DN cung cấp sữa như chất lượng sữa tươi theo đúng tiêu chuẩn, hàm lượng; hương vị phù hợp với lứa tuổi; quy cách đóng gói vừa đảm bảo vệ sinh, vừa hấp dẫn về hình thức, thông số chất lượng; phương thức vận chuyển, bảo quản phù hợp… Việc cho học sinh uống thêm sữa học đường hàng ngày cũng cần được các cơ sở giáo dục tính toán lại khẩu phần ăn để đảm bảo cung cấp đủ tiêu chuẩn, định lượng, tránh tình trạng tăng tỷ lệ béo phì… Về lâu dài đó là những chiến lược để có thêm nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ đang tuổi đến trường hiểu rõ về ý nghĩa, tham gia tích cực hơn nữa góp phần hoàn thành các mục tiêu nâng cao tầm vóc, chất lượng nguồn nhân lực mà Chương trình sữa học đường Quốc gia đang hướng tới.