Tăng chất lượng nguồn nhân lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới quy định mới về đào tạo liên thông trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) lên đại học (ĐH) của Bộ GD&ĐT (sẽ có hiệu lực từ 7/2/2013). Bởi quy định này được đưa ra với kỳ vọng siết lại kỷ cương đào tạo liên thông, trả lại đúng giá trị thực cho người học.

Hiểu nhầm về liên thông

Theo quy định học liên thông mới, người tốt nghiệp TC nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục ĐH chỉ được tổ chức đào tạo liên thông khi có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo chính quy trình độ CĐ, ĐH của ngành đào tạo liên thông.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sau một thời gian dài thực hiện đào tạo liên thông theo Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT, đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa nói đúng bản chất của đào tạo liên thông. Qua khảo sát thực tế, Bộ còn phát hiện nhiều biến tướng của các trường, như đào tạo ngoài nhà trường, liên kết tràn lan, chương trình đào tạo bị cắt xén dẫn đến chất lượng đào tạo thấp…, thậm chí nhiều trường còn đào tạo "chui". Hệ quả là chính các cơ quan, doanh nghiệp gần đây đã thẳng thừng từ chối người có bằng liên thông.

Tăng chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1

Quy định mới về liên thông của Bộ GD&ĐT khiến nhiều sinh viên cao đẳng lo lắng. Trong ảnh: Sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất. Ảnh : Duy Khánh

Giải thích về việc ban hành quy định mới đối với đào tạo liên thông, gây lo lắng cho phần lớn sinh viên đang phải đi đường vòng để có được tấm bằng cử nhân, ông Tuấn cho rằng, đang có sự hiểu nhầm với hệ đào tạo này: "Thông tư mới để các trường tồn tại đúng sứ mạng, không phải là con đường để lên ĐH. Các bạn phải xác định khi chọn học CĐ, TC… mỗi hệ đào tạo có mục tiêu riêng, chuẩn đầu ra riêng, cung cấp lao động riêng cho thị trường nhân lực".

Khó mấy cũng thực hiện

Bắt đầu từ 7/2 tới, quy định mới sẽ chính thức được áp dụng trong các cơ sở đào tạo. Hiện tại, không ít sinh viên đang "sốc" trước quy định mới này vì lo lắng, sau khi ra trường 3 năm, quay lại thi, liệu còn nhớ nổi kiến thức.

GS Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng tỏ ra lo ngại: "Nếu để 3 năm mới cho các em thi, tôi nghĩ các em sẽ quên nhiều kiến thức và khó thi đỗ". Còn GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho rằng, quy định mới này chắc chắn sẽ gây khó cho các trường tư thục, dân lập vốn đã khó khăn về nguồn tuyển. Nhưng nếu vì mục tiêu lớn là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH thì khó mấy cũng phải thực hiện.

Không ít người thắc mắc khi thí sinh liên thông cũng phải thi như những sinh viên hệ chính quy, và cũng có ý kiến cho rằng, việc thực hiện quy chế đào tạo liên thông mới cần có lộ trình. Song, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/1/2013, những quy định nào không phù hợp với Luật, phải được sửa đổi. Bộ đã nhận thấy sự bất cập của đào tạo liên thông và việc ban hành quy định mới về vấn đề này được ưu tiên đặt ra từ rất sớm, đồng thời với thời gian soạn thảo Luật Giáo dục ĐH. Việc ban hành thông tư mới quy định về đào tạo liên thông là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn, để chấn chỉnh những bất cập hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi người học.