Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cơ hội cho kinh tế tư nhân

Võ Hồng Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ DN (ngày 17/5/2017), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc, xây dựng nền hành chính hiện đại, chính quyền điện tử, TP thông minh, cam kết hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất.

Cải thiện môi trường kinh doanh từ kỷ cương hành chính
TP Hà Nội xác định năm 2017 là “năm kỷ cương hành chính”, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân và DN của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. TP Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 cung cấp 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, qua đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết; bổ sung hoặc kiến nghị; bãi bỏ, thay thế, sửa đổi những quy định làm khó DN theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng các dịch vụ công, nhất là khâu đăng ký kinh doanh… Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội đã thành lập bộ phận đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, người dân và DN tiến hành làm thủ tục được hướng dẫn tận tình. Đây là cách làm có hiệu quả được cộng đồng DN đánh giá cao.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao đổi với doanh nghiệp nước ngoài tại  buổi đối thoại với chủ đề:  “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”.  Ảnh: Phạm Hùng
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn TP Hà Nội
Ngày 25/6 sẽ diễn ra Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư & phát triển”. Đây là lần thứ 2 hội nghị được tổ chức thể hiện cam kết của Hà Nội trong việc tiên phong về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 đại biểu và hơn 600 nhà đầu tư, các DN trong nước và quốc tế tham dự. Hội nghị sẽ đánh giá kết quả công tác triển khai các định hướng, nội dung, cam kết của TP tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức ngày 4/6/2016; trao quyết định phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, quyết định chủ trương dự án đầu tư; khen thưởng, vinh danh các cá nhân, tổ chức, DN trong nước và nước ngoài có thành tích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2017 - 2020.
còn bao gồm việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi 2014, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ vừa được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, TP tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện các chính sách của TP về ưu đãi, khuyến khích để hỗ trợ DN phát triển, nhất là đối với những DN kinh doanh sản phẩm mới, có độ rủi ro cao, những sản phẩm sạch, mang lại giá trị gia tăng cao, sản phẩm thuộc công nghiệp phụ trợ. Trong đó tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán...; Triển khai thực hiện đầy đủ Chỉ thị 20/2017/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, DN chỉ bị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán 1 lần trong năm…

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Hiện nay các DN nói chung và DNTN trên địa bàn Hà Nội đang khó khăn trong việc tuyển được đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu của mình. Nguyên nhân là do hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, đặc biệt là hệ thống dạy nghề còn nhiều hạn chế, chưa vươn tới chuẩn mực khu vực và quốc tế đang là một trở ngại lớn cho công tác tuyển dụng lao động của DN đang hoạt động và khó khăn cho khởi nghiệp hiện nay. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cho lãnh đạo TP trong việc chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo tích cực đổi mới chương trình, nội dung, cải tiến phương pháp dạy học, nhất là các cơ sở đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng theo hướng xuất phát từ nhu cầu và rèn luyện kỹ năng cho người học, bao gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm theo cách hiểu hiện nay.

Về cơ sở hạ tầng, mặc dù Hà Nội cùng với cả nước đã rất chú trọng đầu tư xây dựng nhưng nhìn chung để đáp ứng yêu cầu vẫn còn khoảng cách đáng kể. Do vậy, yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các DN cũng đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay. Bên cạnh đó, lĩnh vực đăng ký kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân luôn đặt ra yêu cầu phải đổi mới về khung pháp lý, chất lượng đội ngũ và hạ tầng kỹ thuật. Thời gian qua, TP đã từng bước công khai hóa hoàn toàn quy trình đăng ký DN cũng như tình trạng hồ sơ DN trên hệ thống trực tuyến để cộng đồng được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh; tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử của cả nước theo yêu cầu Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Hà Nội cần phấn đấu nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử năm 2017 đạt 35 - 40%, cao hơn mức dự kiến của cả nước là 30%.

Còn rất nhiều công việc đặt ra trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên Hà Nội đã và đang nỗ lực để tạo những cơ hội cho các khu vực kinh tế cạnh tranh bình đẳng, trong đó tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng sẽ được TP quan tâm trong sự phát triển chung của kinh tế Thủ đô.