Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam?
- Ước tính, mới có khoảng gần 12% người dân Việt Nam có tài khoản NH, hơn 90% DN có quy mô vừa và nhỏ là hệ thống khách hàng tương thích tối ưu với các sản phẩm, dịch vụ của NH bán lẻ. Hội nhập không chỉ tạo cơ hội phát triển cho DN trong nước, mà cùng với đó sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để khai thác những lợi thế, cơ hội từ hội nhập. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ NH tăng mạnh, và đây chính là cơ hội lớn cho ngành NH.
Ông nhận xét thế nào về các NH nội hiện nay, điều gì mà các NH nội nên quan tâm?
- Theo tôi, điều mà các DN FDI quan tâm khi sử dụng dịch vụ NH hiện nay không phải là lãi suất tiền gửi cao nhất hay lãi suất vay thấp nhất, mà là sự tư vấn của NH, các sản phẩm và khả năng quản trị rủi ro cao phục vụ cho hoạt động ổn định và tăng trưởng kinh doanh của họ. Từ vài năm nay, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng mạnh, trong đó có một điểm đáng chú ý đó là DN đi đâu, NH theo đó. Các tập đoàn nước ngoài thường có mối quan hệ bền chặt với các đối tác, với NH không có ngoại lệ, họ đến Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác thường vẫn sử dụng các mối quan hệ đó.
Trong xu hướng hội nhập, các NH nội cần làm gì để thu hút được khách hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh?
- Về trung hạn và dài hạn, Việt Nam đang chuẩn bị các bước cho hội nhập theo thông lệ quốc tế, bằng cách tạo dựng các NH có đầy đủ sức cạnh tranh ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kể từ năm 1997 đến nay, số lượng NHTM CP ở Việt Nam có xu hướng giảm dần: Từ 56 xuống 34 NH năm 2014. Để củng cố hệ thống và thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, NHNN chủ trương sáp nhập, hợp nhất các NH nhỏ, giảm bớt số lượng các tổ chức tín dụng hoạt động kém hiệu quả. Các thương vụ sáp nhập NH diễn ra đầu năm 2015 cho thấy, các NH nhận sáp nhập đều tăng trưởng về quy mô tín dụng, được mở rộng hơn về phạm vi hoạt động, nhờ đó vị thế và vai trò ngày càng được nâng cao hơn. Hiện tại, một số NH lớn của Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN, đặc biệt là tại Lào, Campuchia, Myanmar... Đầu tư ra nước ngoài không dễ dàng, nhưng là có hiệu quả. Các NH, trong đó có BIDV đang làm ăn tốt tại Lào, Campuchia... với lợi nhuận hấp dẫn…
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, các NHTM cần tăng cường vốn điều lệ để tăng quy mô nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm rủi ro, có điều kiện thu hút thêm vốn, phát triển nhân lực, đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất, tiếp thu kinh nghiệm quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và thông lệ của các NH hiện đại trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!