KTĐT - Mục tiêu thành phố Bắc Ninh đề ra trong giai đoạn 2010-2015 là hỗ trợ giải quyết tạo việc làm cho từ 27.000 đến 30.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2015 còn 5%.
Thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 30-10-2004 của Thành uỷ Bắc Ninh về lao động việc làm giai đoạn 2004-2010, những năm qua, UBND thành phố chỉ đạo các xã phường tập trung đẩy mạnh hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động.
Nhiều giải pháp được triển khai như hỗ trợ vay vốn cho các dự án vừa và nhỏ từ nguồn quỹ quốc gia với lãi suất ưu đãi; thành lập các mô hình tư vấn, xúc tiến giới thiệu việc làm; phối hợp đào tạo nghề ngay tại cơ sở. Từ năm 2007 đến nay, toàn thành phố đã có trên 15.000 lao động được hỗ trợ tạo việc làm, vượt 5% so với kế hoạch đề ra. Trong đó vào các cơ quan xí nghiệp 4.116 người; cơ sở tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại hơn 3.100 người, tự tạo việc làm gần 5.600 người, đi xuất khẩu lao động 588 người và lao động khác hơn 1.700 người.
Kết quả nêu trên cho thấy công tác giải quyết việc làm cho người lao động thành phố chủ yếu là tự tạo việc làm, chiếm khoảng 36,6%. Lĩnh vực này thường không ổn định, hiệu quả thấp, trong khi thế mạnh xuất khẩu lao động chỉ tiêu đạt khá thấp. Công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động thuộc khu vực tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp còn dàn trải, manh mún. Các cơ sở dạy nghề tư nhân, dạy nghề kèm cặp tại một số doanh nghiệp hoạt động chưa có tổ chức, chưa đăng ký theo đúng quy định của Nhà nước, số lượng đào tạo hàng năm chưa nhiều và hiệu quả không cao. Trong khi đó, Trung tâm dạy nghề thành phố mặc dù mới được thành lập song đã có nhiều cố gắng phối hợp với các xã phường và phòng ban liên quan mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các đơn vị doanh nghiệp, góp phần không nhỏ tạo việc làm cho người lao động. Ba năm qua, Trung tâm đã mở 14 lớp đan mây tre, 11 lớp thêu ren xuất khẩu thu hút 750 học viên tham gia, 18 lớp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi thú y với 540 học viên, 23 lớp may công nghiệp và tin học văn phòng với 690 học viên. Ngoài ra Trung tâm còn mở một số lớp kỹ thuật chuyên ngành như điện tử, điện dân dụng, hàn điện và hàn công nghệ cao. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố đạt 42,3%, cao hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động thiếu việc làm trên địa bàn thành phố Bắc Ninh chiếm khoảng 6%, tương đương 5.595 người. Con số này sẽ không dừng lại khi diện tích đất canh tác nông nghiệp thu hẹp, bởi lẽ theo tính toán, 1 hecta đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ có 13 nông dân mất việc làm.
Mục tiêu thành phố Bắc Ninh đề ra trong giai đoạn 2010-2015 là hỗ trợ giải quyết tạo việc làm cho từ 27.000 đến 30.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2015 còn 5%. Để từng bước hiện thực hoá mục tiêu này, UBND thành phố chủ trương gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. Bên cạnh lĩnh vực đào tạo nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn như nuôi trồng thuỷ sản, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm và các nghề truyền thống khác. Đa dạng hoá các loại hình trường lớp đào tạo, thực hiện người học nghề và người sử dụng lao động cùng đóng góp kinh phí theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, phấn đấu từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 45% đến 2015 là 65%. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người lao động theo học một số nghề phổ thông, nhất là đối tượng lao động nông nghiệp lứa tuổi trung niên. Tập trung các nguồn vốn cho vay tạo việc làm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo và các nguồn vốn ưu đãi khác, chú trọng cho vay cải tạo vườn đồi, xây dựng trang trại nuôi cây con đặc sản; phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm ổn định, thu hút nhiều lao động. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, sự bình đẳng về chính trị, pháp luật cũng như xã hội của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn..., qua đó làm thay đổi tâm lý, nhận thức của đại bộ phận người dân là chỉ mong muốn cho con em vào làm việc tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.