Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong Chiến lược hợp tác định hướng Việt Nam-Luxembourg giai đoạn 2011-2015, Việt Nam xác định Luxembourg là đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Luxembourg là nước công nghiệp phát triển, việc nâng cao dòng đầu tư nước ngoài từ các nước công nghiệp vào Việt Nam là một trong những biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa của Việt Nam bởi Luxembourg chiếm ưu thế trên cả ba phương diện công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Hiện Luxembourg đứng thứ 19 trong 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực mà Luxembourg đầu tư tập trung là: thông tin di động, xây dựng văn phòng, căn hộ, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.
Địa bàn đầu tư của Luxembourg chưa đa dạng mà chủ yếu tập trung tại Hà Nội trong khi các tỉnh, thành phố khác có nhiều tiềm năng chưa được các nhà đầu tư nước này tìm hiểu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Luxembourg riêng trong năm 2012 đạt 32 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào Luxembourg đạt 29 triệu USD, tăng 7%; Việt Nam nhập khẩu từ Luxembourg là 3 triệu USD.
Nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư của Luxembourg vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, xóa bỏ các rào cản về quy hoạch, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Luxembourg để phía bạn hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam và nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, Cục Đầu tư nước ngoài cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Thông qua các dự án của Luxembourg đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực mà nước này có thế mạnh như tài chính, ngân hàng; xây dựng chính sách kinh tế, tài chính./.