Tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố ''bất biến'' để ứng với ''vạn biến’'' của tình hình kinh tế quốc tế.

Sáng 18/9, ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững'', đã chính thức khai mạc. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật... có ý nghĩa quan trọng. 

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, các đại sứ, trưởng đại diện cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' 

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ đầu năm 2022 đến nay.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7 - 7,5%, lạm phát dưới 4%.

Mới đây, trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 6/9/2022 tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô - nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội - còn rất nhiều thách thức, như: Rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới. Một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao, và áp lực tăng khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn; thị trường tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp...), thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu. Nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.

“Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “ bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế ” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Để đạt những mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nghị quyết khác của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 được tổ chức với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin "đầu vào" quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội... có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Nâng cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh rất khó khăn năm 2021, chúng ta đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế năm 2021. Diễn đàn năm 2021 đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn năm 2021 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh... Chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời đó, cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế nước ta đã tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.

 

Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 400 đại biểu trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia; đồng thời kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu trong nước, và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài sẽ tham dự theo hình thức ghi hình hoặc phát biểu trực tuyến.

Bày tỏ quan điểm tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đối với kinh tế vĩ mô, về cơ bản là thể chế phải tập trung cho phục hồi các trụ cột quan trọng của tăng trưởng bền vững, dựa vào những trụ cột đã được xác định là đầu tư công, thương mại và tiêu dùng nội địa. Đó là tính theo bên cầu. Còn bên cung thì đặc biệt phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, các thị trường và chuỗi cung ứng phục hồi hoạt động.

Do đó, môi trường đầu tư kinh doanh phải tiếp tục được thuận lợi hoá mạnh mẽ hơn nữa. Cải cách hành chính phải quyết liệt hơn nữa. Trong các ngành, dịch vụ du lịch rất cần phải đi nhanh trong bối cảnh nhiều nước chưa mở cửa do dịch bệnh Covid-19 như Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam phải nâng cao được vai trò đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là tận dụng cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong nền kinh tế.

Hiện nay, nước ta vẫn đầu tư cho khoa học công nghệ quá ít, cơ chế chính sách chưa thông thoáng, chưa huy động được nhiều từ các nguồn lực ở khu vực tư nhân. Trong khi đó, công nghệ sẽ có vai trò quyết định một nền kinh tế bền vững, phù hợp với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đã ra đời và rất cần nhanh chóng triển khai trên thực tiễn. Việt Nam phải bắt nhịp ngay vào quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, phải có giải pháp cụ thể và đột phá, thực hiện quyết liệt trên thực tế.

 

Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; “Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.