Tuy nhiên, do chịu tác động của nhiều nguồn thông tin về độ an toàn của rau nên người tiêu dùng còn khá e dè trong việc lựa chọn, sử dụng RAT. Làm thế nào để liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững chuỗi sản xuất và tiêu thụ RAT vẫn đang là bài toán khó.
Xây dựng mạng lưới phân phối
Chị Bùi Thị Nghiêm - chủ cửa hàng RAT trên phố Phan Đình Phùng, quận Hà Đông cho biết, cửa hàng được cấp phép hoạt động từ năm 2010. Để giữ chữ "tín" với khách hàng, chị chỉ nhập rau ở những địa chỉ tin cậy tại một số HTX RAT ở Hoài Đức như: Tiền Lệ, Phương Viên, Song Phương... Từ 4 - 5 giờ sáng, xe ô tô của các HTX đã chở rau giao cho cửa hàng theo lượng hàng đặt trước. Mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ trung bình từ 50 - 70kg rau các loại. Những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, lượng rau tiêu thụ lên tới 100kg.
"Lúc thị trường rau khan hiếm, giá "sốt" thì giá RAT lại tương đối ổn định. Tuy nhiên, do các sản phẩm RAT chỉ đa dạng chủng loại vào mùa đông còn mùa hè thì đơn điệu, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng" - chị Hoàng Thị Sen - chủ cửa hàng RAT tại chợ Nhân Chính, phố Nhân Hòa, quận Thanh Xuân cho biết. Qua khảo sát các chợ, cửa hàng, điểm bán RAT ở một số khu vực trên địa bàn TP như: Đại Mỗ (Từ Liêm), Khương Đình, Nhân Chính (Thanh Xuân), chợ Hà Đông, chúng tôi nhận thấy, chủ yếu sản phẩm RAT được nhập ở các HTX sản xuất RAT ở các vùng như: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông... Hiện, toàn TP có 60 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 - 120kg/cửa hàng/ngày, các cửa hàng đều được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng; có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình 80 - 200 kg/siêu thị/ngày... Ngoài ra, còn hơn 200 điểm phân phối RAT trong các khu dân cư do Chi cục BVTV (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức.
Từng bước xây dựng niềm tin
Những năm gần đây, tại các chợ, cửa hàng bán RAT mọc lên nhiều, nhưng chỉ có các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm RAT được Sở NN&PTNT hỗ trợ kinh phí hoặc mặt bằng mới duy trì được mức tiêu thụ ổn định. Còn những cửa hàng tự phát thì hoạt động không bền vững, kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa. Nguyên nhân chính do người dân chưa thực sự tin tưởng vào nguồn gốc, chất lượng của RAT và mức giá RAT cao hơn so với giá rau thường ngoài chợ. Mặt khác, nhiều người dân vẫn có thói quen mua rau tại các chợ tạm, chợ cóc gần nơi sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc - Chuyên viên nghiên cứu thị trường, Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và yên tâm khi sử dụng RAT do việc thiết lập mạng lưới tiêu thụ từ thu mua, đóng gói, bảo quản đến phân phối rau trên thị trường của TP chưa đồng bộ; quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, để RAT thực sự có chỗ đứng trên thị trường Hà Nội, điều quan trọng phải tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, hầu hết các HTX, địa phương sản xuất RAT đều thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc trong quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm để bảo đảm chất lượng rau trước khi xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, để kiểm soát chất lượng ATVSTP trên rau, Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra chuyên ngành, liên ngành các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT; lấy mẫu rau phân tích để kiểm tra chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, từ tháng 9/2012, Chi cục đã tiến hành gắn nhãn tem nhận diện RAT cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ RAT trên địa bàn. Đến nay, đã có 21 cơ sở thí điểm dán tem nhận diện "RAT Hà Nội" được gắn trên các sản phẩm rau bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, chợ...
Khách hàng chọn mua rau tại cửa hàng giới thiệu và bán RAT, chợ Hà Đông. Ảnh: Bình Minh
|
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP có 4.500ha sản xuất RAT, trong đó có 150ha RAT theo VietGAP tại 18 vùng chuyên canh rau; sản lượng đạt 8.200 tấn/năm (tương đương 22,5 tấn/ngày), 25 HTX sản xuất và tiêu thụ RAT với sản lượng tiêu thụ trung bình 200 - 300 kg/HTX/ngày. |