Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Chiều 17/2, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với các cơ quan thi hành án của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về công tác thi hành án hình sự, dân sự năm 2016, hoạt động phối hợp trong các mặt công tác, những tồn tại và đề xuất, kiến nghị đối với công tác thi hành án.
Đại biểu các ban, bộ, ngành tư pháp và nội chính Trung ương đóng góp ý kiến nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án.
Năm 2016, số đối tượng bị đưa vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ tiếp tục tăng, với thành phần, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm cho xã hội, phương thức, thủ đoạn phạm tội đa dạng, tinh vi, xảo quyệt.
Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã thực hiện đúng chế độ, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường an toàn để phạm nhân, trại viên, học sinh yên tâm học tập, cải tạo tiến bộ; giáo dục, cảm hóa hàng chục nghìn người lầm lỗi hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường.
Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các đơn vị liên quan trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.179 phạm nhân, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tăng cao nhất từ trước đến nay.
Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78,53% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 8,53%) và trên 29.097 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 3,74%). Công tác thi hành án hành chính được quan tâm chỉ đạo, ngày càng đi vào nền nếp.
Cùng với đó, các cơ quan thi hành án đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, qua đó giảm số lượng án tồn đọng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thi hành án.
Sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với nhau và với các ban, bộ, ngành tư pháp và nội chính Trung ương được chú trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các cơ quan thi hành án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thi hành án; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần "Thượng tôn pháp luật," bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm hoạt động thi hành án cả về hình sự, dân sự, hành chính chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Công tác thi hành án là một khâu quan trọng góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, tạo môi trường để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Cùng với đó, các cơ quan thi hành án cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị​-xã hội và nhân dân địa phương bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ phạm nhân trốn trại; tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách, pháp luật đối với người phạm tội, tôn trọng quyền con người và tạo điều kiện thuận lợi cho người phạm tội phấn đấu cải tạo, hoàn lương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu các cơ quan thi hành án chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự, hành chính và quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thi hành án hành chính và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá... cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và những nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý về sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án và giữa các cơ quan thi hành án với Tòa án, Viện kiểm sát và các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, nhất là trong việc thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và sai phạm trong công tác thi hành án cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, giỏi về pháp luật, phẩm chất, đạo đức trong sáng trong cuộc sống cũng như khi thực thi công vụ; đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án.
Đảng bộ, Ban cán sự đảng các cơ quan thi hành án nỗ lực thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.