Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường phòng chống mua bán người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/12, Ban tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức hội nghị tập huấn thực hiện chương trình 130/CP giai đoạn 2011 – 2015 của Chính phủ về một số vấn đề chú ý trong công tác phòng, chống mua bán người (MBN) đối với các cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội.

Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm & ma túy (Bộ Công an), MBN tập trung vào phụ nữ và trẻ em, là loại tội phạm nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia, liên quan đến an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Hàng năm trên thế giới có từ 800 nghìn đến 1 triệu người bị buôn bán, trong đó trên 55% là các bé gái chưa đến vị thành niên; lợi nhuận thu được từ buôn bán người ước 30 – 40 tỷ USD/năm.

Ở Việt Nam, tình hình MBN gia tăng, năm 2003, phát hiện 801 vụ, với 1.309 đối tượng, lừa bán 1.697 nạn nhân. Từ năm 2004 (thực hiện Chương 130/CP) đến nay, toàn quốc phát hiện  trên 3.000 vụ, với 5.054 đối tượng, lừa bán 6.527 nạn nhân. Trong đó, năm 2012, toàn quốc có 460 vụ, với 769 đối tượng, lừa bán 844 nạn nhân, so năm 2011 tăng 6 vụ, với 23 nạn nhân, trong đó Hà Nội có 16 vụ. Lào Cai, Hà Giang, là hai địa phương xảy ra nhiều, có 43 vụ… Ngoài mua bán phụ nữ, đã xảy ra mua bán nam giới, mua bán nội tạng, trẻ sơ sinh, bào thai (ở Hà Nội, Quảng Ninh, Sóc Trăng), đẻ thuê tại một số tỉnh phía nam…

Đối tượng MBN chủ yếu bọn lưu manh chuyên nghiệp có tiền án, tiền sự, hiện cả nước có khoảng 4.000 đối tượng này, được cơ quan chức năng lập hồ sơ quản lý… Ngoài ra, phạm tội này còn có công dân đến từ các nước: Đài Loan, Trung Quốc, Cămpuchia, Hàn Quốc, Malaysia… Hình thức MBN được ngụy trang dưới dạng: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài… Cả nước hiện có 54 tuyến trọng điểm mua bán người, trong đó có 5 tuyến quốc tế (tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chiếm hơn 60%), 18 tuyến liên tỉnh và 31 tuyến liên huyện, trong đó có 182 địa bàn trọng điểm cần được quan tâm, phòng ngừa, đấu tranh…

Theo Chương trình 130/CP giai đoạn 2011 – 2015 của chính phủ, phòng chống tệ nạn MBN là, một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Trong đó, yêu cầu, các cấp ủy đảng, chính quyền từ TƯ đến cơ sở phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và tăng cường sự hợp tác quốc tế để thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng; xây dựng các mô hình khu phố, thôn bản, dòng họ không có tội phạm…; lựa chọn người có tâm huyết, am hiểu chính trị - xã hội và chuyên môn tham gia tổ công tác phòng, chống MBN ở cơ sở.