Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND thành phố Đà Nẵng sẽ bổ sung khoảng 1,2 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp và Y tế thành phố lấy mẫu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm 2017 và công tác kiểm nghiệm ô nhiễm thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết âm lịch.

Số liệu của Chi Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, hàng năm thành phố tiêu thụ khoảng 70.000 – 80.000 tấn sản phẩm nông sản, thực phẩm; 70.000 – 80.000 tấn sản phẩm trong chăn nuôi. Trong đó, sản phẩm nông sản tại chỗ khoảng 16.000 tấn và sản phẩm chăn nuôi chỉ chiếm 10 – 15% tổng sản phẩm tiêu thụ, còn lại là nhập từ các tỉnh và nhập khẩu, những lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề thường trực có thể xảy ra.

 Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn

Mùa mưa 2016 trên địa bàn một số tỉnh nam trung bộ kéo dài, rau màu bị thiệt hại, khiến cho các sản phẩm về rau, củ, quả tại khu vực này càng khan hiếm, vì vậy nhu cầu nhập các sản phẩm này từ các tỉnh khác vào Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên Đán sẽ tăng mạnh. Theo Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) sản lượng rau, củ, quả nhập về chợ hiện nay khoảng 300 – 330 tấn/ngày ước tính trong những ngày giáp Tết sẽ đạt 900 – 1000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 70 – 80% là nông sản nhập từ các tỉnh khác vào thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở quyết định số 35/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn các tiểu thương kê khai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập về chợ, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã thành lập tổ công tác để giám sát việc thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ tại chợ đầu mối Hòa Cường.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như: bánh, mứt, kẹo, dầu ăn, lương thực, thực phẩm. Các doanh nghiệp được phép cung ứng sẽ được Sở Công thương Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được khám sức khỏe và phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán ngoài việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố đã thành lập tổ công tác kiểm tra liên ngành các cấp. Các ngành cũng tổ chức công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở phân theo cấp quản lý và để tránh sự chồng chéo trong quản lý thì các ngành sẽ lên danh sách cụ thể đối với các cơ sở cần kiểm tra”

Năm 2016 thành phố Đà Nẵng đã chi gần 600 triệu đồng kinh phí cho việc lấy mẫu xét nghiệm ô nhiễm thực phẩm. Trong năm 2017, ngoài phần kinh phí lấy mẫu kiểm nghiệm theo đề án kiểm soát an toàn thực phẩm, UBND thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ bổ sung 1,2 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Y tế thực hiện lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó khoảng 200 triệu phục vụ lấy mẫu kiểm nghiệm trước, trong và sau Tết âm lịch.

Cũng trong năm 2016 thành phố Đà Nẵng đã tiến hành nhiều hoạt động để đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh có mẫu thực phẩm không đạt chỉ tiêu vi sinh vật và hóa học trong quá trình kiểm tra đều bị xử phạt hành chính. Các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố đã kiểm tra, thanh tra trên 10.000 lượt thì có 916 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm bị phạt hơn 2,5 tỷ đồng, cao nhất có trường hợp bị phạt tới 100 triệu đồng.

Ông Hồng cho biết thêm: “Năm 2016 công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố được tiến hành chặt chẽ hơn, số lượt kiểm tra, thanh tra nhiều hơn năm trước, nên tỷ lệ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm vi phạm và bị xử phạt hành chính trong năm 2016 cũng tăng cao hơn so với năm 2015”

Từ ngày 01/01/2017, tất cả các sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn, các sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Nếu hàng hóa có hoá đơn chứng từ mua bán nhưng không ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoặc mua trực tiếp của nông dân, ngư dân không có hóa đơn chứng từ thì phải lập bảng kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm theo biểu mẫu Quy định này. Nếu nội dung kê khai không đúng sự thật mà hàng hóa đó bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

Năm 2017 thành phố Đà Nẵng là một trong những địa điểm được Chính phủ lựa chọn là nơi tổ chức một số hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), bên cạnh công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần phải có sự quan tâm đặc biệt, để không chỉ tổ chức thành công một sự kiện lớn mà còn là cơ hội để quảng bá với bạn bè thế giới về hình ảnh một Đà Nẵng là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”