Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng giờ làm thêm phải đảm bảo 4 điều kiện

Thủy Trúc - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian làm thêm giờ lên 50 – 52 giờ; kéo dài đến năm nào là tùy thuộc vào yêu cầu của từng DN và người lao động phải được đảm bảo về sức khỏe khi thực hiện làm thêm giờ vượt quá khung quy định trong Bộ luật Lao động.

Tăng giờ làm thêm để giữ đơn hàng cho các năm sau
Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc cho phép không áp dụng giới hạn làm thêm giờ trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm. Thời gian làm thêm giờ vượt quá khung quy định kéo dài đến hết ngày 31/12/2024, áp dụng cho tất cả ngành nghề công việc. Đề xuất làm thêm giờ vượt khung quy định được nhiều DN đồng tình bởi mấy tháng nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động (NLĐ) phải nghỉ việc không lương, giãn việc, giảm giờ làm. Cộng với việc, những ngày này xảy ra tình trạng làn sóng NLĐ ở các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch Covid-19, khiến cho các DN khan hiếm lao động thì đề xuất tăng giờ làm thêm vượt khung là rất cần thiết.
Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc cho phép không áp dụng giới hạn làm thêm giờ trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm. Ảnh: Khắc Kiên.
Từ thực tế, khi các tỉnh/TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng, chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ, không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hiệp hội VASEP kiến nghị bỏ tạm thời quy định Thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo Điều 62, Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Khi DN có kế hoạch làm thêm giờ chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Như thế sẽ giúp DN chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của đơn vị về nguyên liệu và lực lượng lao động. DN chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng nghị quyết và chịu trách nhiệm hậu kiểm.
 Đề xuất tăng giờ làm thêm vượt khung quy định để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ảnh  người lao động đang làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Hiện nay, TP Hà Nội chuyển sang trạng thái bình thường mới nên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh đề nghị tăng thời gian làm thêm cho phù hợp với thực tế, nhất là đối với các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. “Một tháng nên điều chỉnh tăng lên 50 giờ làm thêm là phù hợp. Tăng giờ làm thêm để đảm bảo đơn hàng và giữ uy tín với khách hàng để duy trì sản xuất cho các năm tiếp theo. Qua đó, tránh để đứt chuỗi cung ứng khách hàng rút đơn hàng đi các nước khác. Hiện nay, DN nào cũng thiếu lao động, tăng giờ làm thêm đồng nghĩa phải tăng quỹ lương để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, dẫn đến việc lợi nhuận sẽ bị giảm; do đó giải pháp thực hiện là đẩy nhanh năng suất, tăng thu nhập cho NLĐ và DN” - Tổng Giám đốc Phí Ngọc Thịnh đề xuất.
Nếu quy định kéo dài, doanh nghiệp dễ lách luật
Việc tổ chức làm thêm giờ lần này là tăng năng suất lao động bù cho thời gian dừng sản xuất do dịch bệnh Covid-19. Từ quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động, nếu tổ chức làm thêm đều trong tháng thì mỗi ngày người lao động làm thêm không quá 1,54 giờ (40 giờ làm thêm : 26 ngày làm việc). Theo tôi, chỉ nên tăng tối đa thêm 1 giờ/ngày; tốt nhất là tăng thêm 0,5 giờ, tức là không quá 2 giờ/ngày và 52 giờ/tháng.
Nhiều năm làm quản lý tại cơ quan đại diện cho quyền lợi của, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ rất đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm vượt khung quy định. Bởi, hiện nay một vấn đề rất lớn đặt ra đối với các khu công nghiệp và DN là có công việc nhưng thiếu NLĐ để làm. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người sử dụng lao động, DN dẫn đến có thể không hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Nếu tình hình kéo dài, uy tín của DN bị giảm, ảnh hưởng đến ký hợp đồng đơn hàng các năm sau. Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, phía NLĐ cũng muốn làm thêm vì bình thường tiền lương, tiền công thấp; mấy tháng nay họ phải ngừng việc không có thu nhập. Hơn nữa, sắp tới Tết, nhiều NLĐ cũng muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập chính đáng, chủ động trong việc chi tiêu.
 Đề xuất tăng giờ làm thêm vượt 40 giờ/tháng nhưng phải đảm bảo sức khỏe và các điều kiện cho người lao động. Ảnh: Khắc Kiên.
Từ mong muốn của hai bên, nguyên Viện trưởng Vũ Quang Thọ đề nghị cần có các điều kiện khi thực hiện làm thêm giờ: Tổng thời gian làm thêm/năm không vượt quá ngưỡng quy định Bộ luât Lao động (không quá 200 giờ/năm đối với những công việc không quá ngặt nghèo và không quá 300 giờ/năm đối với công việc cấp bách). Chủ sử dụng lao động công bố rõ ràng, minh bạch trước tập thể công nhân lao động về kế hoạch tăng giờ làm thêm của DN. Đơn giá làm thêm giờ được chủ sử dụng lao động thực hiện theo như đã ký kết với tổ chức công đoàn – đại diện cho NLĐ. Chủ sử dụng lao động phải thực hiện những yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, đó là điều kiện sinh hoạt cần thiết để NLĐ làm thêm, khám chữa bệnh cho NLĐ làm những công việc phát sinh bệnh nghề nghiệp.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Trịnh Thị Ngân, cho rằng, mỗi DN nên căn cứ vào phương án sản xuất để xây dựng kế hoạch cụ thể và phải đảm bảo sức khỏe, điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho NLĐ theo quy định...Bên cạnh đó, nếu lao động chưa tiêm vaccine đủ 2 mũi thì bố trí “3 tại chỗ”, có phương án giãn cách đảm bảo phòng chống dịch...Đồng thời ưu tiên, tạo điều kiện để NLĐ trong các DN được tiêm để yên tâm làm việc....
Về việc làm thêm bao nhiêu giờ/1 tháng, các chuyên gia cho rằng tùy hoàn cảnh, yêu cầu của DN cũng như thống nhất giữa chủ sử dụng lao động và chủ tịch công đoàn. Thời gian làm thêm vượt khung quy định hiện hành kéo dài đến năm nào cũng tùy vào yêu cầu công việc của từng DN. Có khi DN chỉ cần làm thêm đến giữa năm 2023, thì không cần làm thêm nữa. Nếu quy định thời gian làm thêm kéo dài đến hết năm 2024, áp dụng cho tất cả các loại DN thì rất có thể có chủ sử dụng lao động lách luật bắt NLĐ làm thêm ảnh hưởng đến sức khỏe, mà không tuyển thêm lao động mới.