Phụ huynh tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh và học phí để đăng ký cho con tuyển sinh vào trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hải Lý |
Tăng chóng mặt
Hệ thống trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu là một trong những trường thuộc “top” đầu các trường ngoài công lập của Hà Nội. Năm học 2019 - 2020, trường Tiểu học Nguyễn Siêu tuyển sinh ở 3 hệ gồm: Hệ chất lượng cao, hệ Việt Nam hội nhập (VI) và hệ song ngữ quốc tế Cambridge (CI). Học phí từng hệ tương ứng là 5,5 triệu đồng/tháng, 7 triệu đồng/tháng (tăng 700.000 đồng so với năm học trước) và 8,5 triệu đồng/tháng (tăng 1 triệu đồng so với năm học trước). Đó là chưa kể đến tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón và các khoản đóng học đầu năm. Với hệ CI cấp THCS của hệ thống trường này, chỉ riêng tiền học, tiền ăn, tiền nhập học, tiền hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất trong một năm học 2019 - 2020 lên tới 101.027.000 (học phí giảm 5% khi đóng cả năm).
Tương tự, tại hệ thống trường Phổ thông liên cấp Vinschool miền Bắc, học phí ở cả hệ chuẩn và hệ nâng cao các cấp học đều tăng với học sinh nhập học năm học 2019 - 2020. Chỉ riêng tiền học phí của cấp tiểu học hệ chuẩn là 51,4 triệu đồng/năm, hệ nâng cao là 98,3 triệu đồng/năm. Trường Tiểu học FPT, học phí lớp 1 là 4,5 triệu đồng/tháng. Chi phí hàng tháng còn có phí bán trú 580.000 đồng, phí ăn chính và quà chiều 880.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 40.000 đồng. Khi nhập học, phụ huynh đóng phí phát triển trường, đồng phục, hỗ trợ, hoạt động ngoại khóa với tổng là 5,7 triệu đồng cùng bảo hiểm theo quy định. Ngay cả trường công lập chất lượng cao như THCS Cầu Giấy cũng dự kiến tăng học phí năm học 2019 - 2020 từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2 triệu đồng/tháng và sẽ tăng tiếp ở các năm học tới theo lộ trình.Phụ huynh trăn trởCó 2 con đang theo học tại các trường ngoài công lập, chị Lê Thanh Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, mỗi tháng chỉ lo tiền ăn học cho 2 con cũng lên đến hơn 20 triệu đồng. “Lương bố mẹ thì vẫn vậy, giá cả thị trường tăng đủ thứ nên tiền học của con tăng thêm là lại thêm gánh nặng cho gia đình. Con tôi đã học trường tư rồi nên đành cố tiếp, nhưng học phí năm nào cũng tăng khiến chúng tôi đứng ngồi không yên" - chị Hà lo lắng. Nhìn vào bảng học phí của các trường ngoài công lập, không ít phụ huynh đang có ý định đưa con vào học phải choáng ngợp. Thế nhưng, vì nỗi lo áp lực học ở trường công, áp lực sĩ số lớp và đặc biệt vấn đề cơ sở vật chất ở trường công còn “thua xa” các trường tư nên không ít gia đình phải cố gắng xoay xở để con có được một suất học trong trường ngoài công lập.Với các gia đình có điều kiện, điều khiến các phụ huynh băn khoăn không phải là số tiền bỏ ra để đóng học tăng lên mà quan trọng nhất là học phí tăng thì chất lượng dạy và học có được tăng lên. Chị Nguyễn Ngọc Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ, đã xác định cho con học trường ngoài công lập là bố mẹ cũng phải tính toán các khoản học phí phù hợp mức thu nhập của gia đình. Có nhiều phân khúc trường để các gia đình lựa chọn, tuy nhiên dù ở trường nào bố mẹ cũng mong con em mình được đào tạo trong một môi trường giáo dục tốt nhất.Tự chủ tài chính là cơ sở để các trường ngoài công lập có thể tự quyết định mức học phí của mình. Thời gian tới, vấn đề tự chủ sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội nghiên cứu và áp dụng thí điểm tại một số trường công lập. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực đầu tư của các cấp ngành, khoảng cách giữa trường công và trường tư sẽ dần dần được xóa bỏ để giúp các em học sinh có được môi trường giáo dục công bằng, chất lượng.
Mới đây, liên Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH cũng đã có tờ trình UBND TP Hà Nội về việc tăng mức học phí ở một số cấp học năm học 2019 - 2020. Theo dự kiến, mức tăng ở các cơ sở giáo dục khu vực thành thị là 41,9%, khu vực nông thôn là 26,7%, các xã miền núi là 26,3%. |