Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng học phí phải gắn loại bỏ lạm thu

Tin và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu học phí đối với giáo dục (GD) Mầm non, phổ thông công lập năm học 2016-2017

Ngày 19/7, MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu học phí đối với giáo dục (GD) Mầm non, phổ thông công lập năm học 2016-2017 và mức thu học phí đối với GD Đại học, GD nghề nghiệp công lập từ năm học 2016-2017 đến năm 2020-2021 TP Hà Nội (gọi tắt là hệ thống GD công lập, thuộc hệ thống GD quốc dân TP Hà Nội). Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì hội nghị.

Chưa tăng học phí năm 2016-2017

Dự thảo Nghị quyết (trên), sẽ trình HĐND TP Hà Nội kỳ họp tới, là bước TP Hà Nội thực hiện Nghị định 86/2015/ NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối cơ sở GD, thuộc hệ thống GD quốc dân và chính sách miễn giảm học phí hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021 (gọi tắt là Nghị định 86).
Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội T... 20-2021
Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại Hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2016-2017.
Theo Nghị định 86 CP, khung học phí quy định chương trình GD đại trà cấp học mầm non và GD phổ thông công lập  năm học 2015 – 2016 là: vùng thành thị mức học phí sẽ tăng từ 60 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng; vùng nông thôn từ 30 nghìn nâng lên 120 nghìn; vùng miền núi từ 8.000 đồng lên 60.000 đồng.

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội để trình HĐND TP Hà Nội xem xét quyết định mức thu học phí năm học 2016 – 2017, bằng mức thấp nhất trong khung học phí quy định của TƯ. Cụ thể, áp dụng với hệ thống GD công lập (Nhà trẻ, mẫu giáo; THCS, THPT; GD thường xuyên cấp THCS và THPT) tại Thành thị: 60 nghìn đồng/tháng/học sinh (HS); Nông thôn: 30 nghìn đồng/tháng/HS; Miền núi: 8.000 đồng/tháng/HS.

Từ năm học 2018-2019, TP Hà Nội mới điều chỉnh mức tăng học phí hàng năm (theo khung quy định tại Nghị định 86), bằng mức quy định cao nhất của vào năm học 2020-2021 đối với khu vực thành thị, nông thôn; và bằng 50% mức cao nhất đối với khu vực miền núi. Đối với, GD Đại học, GD nghề nghiệp công lập từ năm học 2016-2017 thực hiện điều chỉnh theo quy định của TƯ.

Loại bỏ lạm thu

Tại hội nghị, ý kiến các đại biểu đều tán thành Dự thảo Nghị quyết (trên). GS Trần Ngọc Nhẫn cho rằng, việc điều chỉnh tăng học phí đối với hệ thống GD công lập của TP Hà Nội là cần thiết. Bởi đây là quy định của TƯ, và quan trọng nữa, từ nguồn thu này, các cơ sở GD công lập có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng GD; đồng thời giảm bớt áp lực chi ngân sách của TP.
PGS.TS
Phó GS.TS Bùi Thị An phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Nhẫn đề nghị, TP Hà Nội đi kèm việc tăng học phí, cần xây dựng cơ chế, kiểm soát, công khai minh bạch việc sử dụng nguồn thu, chi và chất lượng giáo dục phải được nâng cao; đồng thời từng bước loại bỏ lạm thu, dưới các hình thức…, tránh tình trạng Ban phụ huynh HS một số lớp, đầu năm học đứng ra quyên góp HS (để lớp mua thiết bị học nhạc, sửa chữa bếp ăn, lắp điều hòa…). Danh nghĩa là “tự nguyện” nhưng thực chất là bắt buộc, làm khó xử cho những gia đình còn khó khăn.

Đồng tình quan điểm này,  Phó GS.TS Bùi Thị An, nguyên phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Phạm Xuân Thảo cho biết, qua khảo sát, ở những vùng nông thôn, người dân kiếm chục nghìn đồng/ngày còn khó. Việc tăng học phí đối với con em họ 1.000 đồng cũng là vấn đề… Bởi vậy, TP Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm hỗ trợ cao nhất cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, cận nghèo…

Đồng tình với chủ trương của TP Hà Nội, mốc thời gian tăng thu học phí từ năm 2017 – 2018, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh lưu ý Ban soạn thảo (Sở GD&ĐT) cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho nhân dân hiểu rõ chủ trương của TP là thực hiện Nghị định 86 của CP; đồng thời tham mưu cho UBND TP có các chế tài quản lý, nguồn thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch; có giải pháp hạn chế  lạm thu..., đặc biệt phải nâng cao chất lượng GD-ĐT, bảo đảm bình đẳng, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của TP thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

 
Năm học 2015-2016: tổng số tiền thu học phí trường công lập (từ trường mầm non đến phổ thông) của TP Hà Nội ước 287,519 tỷ đồng, bằng 6,7%, tổng chi phí tiền lương, chi trực tiếp; trong khi kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức ước 4.028,709 tỷ đồng; Có 25.567 HS thuộc đối tượng miễn học phí, 16.138 HS giảm học phí, với tổng số tiền khoảng 8,696 tỷ đồng.