Theo các đại biểu, để lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Doanh nghiệp “rơi rụng” không chỉ vì vốn
Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến hết ngày 22/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,29%. Nguyên nhân có thể kể đến là do sức hấp thụ vốn của DN thấp, thị trường đầu ra bị tắc nghẽn, tổng cầu yếu. Nhiều DN không có khả năng trả nợ, không có dự án kinh doanh khả thi, không chứng minh được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ, nhiều DN còn nợ đọng...
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), một trong những nguyên nhân khiến DN "rơi rụng" nhiều là vì lãi suất và tín dụng. Điều này không sai, vì nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào vốn ngân hàng nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. "Một nguyên nhân của thực trạng này được các chuyên gia kinh tế nêu ra từ cuối năm 2012 là cơ cấu kinh tế không hợp lý, cung và cầu của chúng ta bất thường, sức mua, đầu tư Chính phủ, xuất khẩu giảm. Bởi vậy, vấn đề bây giờ là cần kích cầu, lấy lại niềm tin của người dân. Khi tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng lên, điểm tốt là chúng ta có nguồn vốn nhưng ngược lại là không ai tiêu dùng, đầu tư" - ông Vinh cho biết.
Thực tế, mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất, với mong muốn cho vay được nhiều hơn, nhưng do các DN vẫn chưa vội vay, vì lo ngại trước những khó khăn của nền kinh tế.
Cần chính sách hỗ trợ mạnh hơn
Trong bối cảnh tín dụng vẫn khó tăng trưởng mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các DN nhỏ và vừa. TS Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết: "Hầu hết các quốc gia đều có các chương trình hỗ trợ tài chính cho DN nhỏ và vừa từ nguồn tài chính công. Công cụ phổ biến thường là thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng".
Giữa tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa. Vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Theo đó, mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của DN và điều kiện cụ thể của từng dự án nhưng tối đa không quá 7 năm; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quyết định nhưng không quá 10 năm, với lãi suất không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với chính sách về vốn, Nhà nước cũng nên ưu tiên giải quyết vốn nợ đọng cho DN. Nhưng, cùng với đó, khối DN nhỏ và vừa cũng phải bắt tay, hợp tác, xây dựng chiến lược kinh doanh mới phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.