Theo Ngân hàng Nhà nước, diễn biến này không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết.
Những chia sẻ dưới đây của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Nguồn ảnh: Internet
|
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc một số ngân hàng thương mại đột ngột tăng mạnh lãi suất huy động VND trong thời gian gần đây?
Ông Bùi Quốc Dũng: Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm, trong khi có 6 tổ chức tín dụng lại giảm, bình quân từ 0,1-0,3%/năm.
Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5-7,2%/năm.
Kết quả đó cho thấy, việc tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết.
Trên thực tế, cũng có nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động. Việc một số ít ngân hàng thương mại đẩy lãi suất huy động trung dài hạn đến mức trên 8%/năm gần như chỉ để gây chú ý và quảng bá.
- Vậy lý do sâu xa của việc tăng lãi suất huy động gần đây là gì, thưa ông?
Ông Bùi Quốc Dũng: Như phân tích trên thì Ngân hàng Nhà nước chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất. Thay vào đó, khi cầu tín dụng tăng hầu hết đều xuất hiện tâm lý dự trữ nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hoạt động quản lý ở đây là ngoài việc kiểm soát thanh khoản để hỗ trợ kịp thời qua thanh kiểm tra (nếu có), yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước còn triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành bơm hút nhịp nhàng để ổn định thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng điều tiết lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) hợp lý để đóng vai trò neo giữ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
- Trước diễn biến tăng lãi suất huy động nói trên đã xuất hiện tâm lý lo ngại về mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh là khó thực hiện. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Ông Bùi Quốc Dũng: Sở dĩ thị trường xuất hiện tâm lý dự phòng bởi những yếu tố vĩ mô như: lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm 2015 lạm phát là 0,6%, như vậy kỳ vọng lạm phát cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68% của năm 2015. Quan sát 5 năm gần đây, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, điều này sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn.
Trong khi cầu vốn tăng nhưng tiền nhàn rỗi (tiết kiệm) giảm. Năm 2015, số tuyệt đối giữa huy động và cho vay đề cân bằng nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động (trên 17% so với trên 14%).
Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đặp bội chi tiếp tục lớn ở mức 220.000 tỷ đồng, cao hơn 2015. Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn.
Ba yếu tố nói trên sẽ tác động yếu tố tâm lý, khiến các tổ chức tín dụng tăng dự trữ nguồn. Mặc dù hiện tại chưa có gì căng thẳng nhưng chúng lại nuôi dưỡng kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, tạo nên phản ứng của thị trường như đã thấy. Qua thống kê cho thấy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5-7,2%/năm.
Ngoài ra, xét về cân đối chi phí vốn và thu nhập thì hệ số lợi nhuận biên ròng của các tổ chức tín dụng vẫn ổn định từ đầu năm đến nay. Đây là những điều kiện hỗ trợ, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tiếp tục ổn định và chưa có sức ép tăng.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, lãi cho vay kỳ hạn ngắn phổ biến 6-9%/năm, trung và dài hạn 9-12%/năm. Phân khúc khách hàng tốt, các tổ chức tín dụng áp dụng 5-6%/năm. Tính bình quân lãi suất cho vay là 8,85%/năm, ổn định so với cuối năm 2015 và giảm đáng kể so với mức bình quân 10,3%/năm của năm 2014, 12%/năm của năm 2013 và 15%/năm của năm 2012.
Ở góc độ điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, cùng mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!