Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch như nhiều người nhận định sẽ là đòn bẩy tạo đà cho ngành kinh tế này phát triển, thưa ông?
- Tôi nhận thấy, toàn ngành du lịch đón nhận Nghị quyết 08 với tinh thần rất phấn khởi, trong đó có một nội dung khiến tôi đặc biệt quan tâm là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Nói như vậy để thấy rằng, từ bây giờ, du lịch đã được xác định là đầu tàu, trục quan trọng trong quá trình vận hành kinh tế. Do đó, cần phải đẩy mạnh mức tăng trưởng, tạo ra sản phẩm phong phú và phải tạo động lực cho các ngành kinh tế phát triển. Bởi du lịch không chỉ có tính đặc thù mà còn liên kết chặt chẽ với các ngành giao thông, văn hóa, dịch vụ, đối ngoại. Để tạo ra sự phát triển, riêng với du lịch Hà Nội từ trước đó cũng đã có Luật Du lịch - văn bản pháp lý, cơ sở để ngành vận hành được tốt hơn, nhất là sau khi Sở Du lịch được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở VHTT&DL. Đây là điều kiện để những người làm du lịch Thủ đô dồn tâm huyết, trí tuệ để đánh thức tiềm năng du lịch với hiệu quả cao.
Vậy, việc tăng cường liên kết các vùng miền, đặc biệt là Hà Nội với các tỉnh, TP nhằm thu hút khách về Hà Nội cũng như đưa khách quốc tế từ Hà Nội về các địa phương cần được thực hiện thế nào?
- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội nằm ở vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, là một trong những trung tâm gửi khách lớn nhất của cả nước, một trong 2 cửa ngõ giao thông hàng không chính của Việt Nam. Chính vì vậy, Tổng cục Du lịch rất ủng hộ việc Hà Nội ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, TP khác như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng..., nhằm nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương. Bên cạnh đó, ngành sẽ hỗ trợ Hà Nội cũng như các địa phương xây dựng những tour, sản phẩm mới: Đối với khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thì phát huy tour là thế mạnh của 3 địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên chất lượng phát triển mới của tam giác này. Đối với Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang..., ngành sẽ hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu với người dân Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô, từ đó kéo du khách đến với các địa phương. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn Hà Nội và các địa phương hợp tác, liên kết trong việc gửi khách cũng như quảng bá sản phẩm đặc sắc của từng khu vực, vùng miền.
Nhưng, để khai thác tốt tiềm năng, cần có những điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?
- Tôi nghĩ, đầu tiên cần có chính sách ưu đãi cụ thể về việc thuê đất và mặt nước như kéo dài thời gian thuê, miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động, đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ bồi thường GPMB. Về thuế, cần có sự ưu đãi hoặc miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị đặc chủng sử dụng trong ngành du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá điện sản xuất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất động sản nghỉ dưỡng bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Về thị thực, có thể miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế tại một số khu vực; nhà đầu tư được phép cư trú lâu dài, cùng thời gian với dự án đầu tư. Về lĩnh vực đầu tư, cần ưu tiên các trung tâm thương mại, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí kết hợp với nâng cấp hạ tầng giao thông quy mô lớn nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; không hạn chế giờ mở cửa dịch vụ tại một số khu vực.
Vậy, còn công tác xúc tiến, quảng bá du lịch - hoạt động bấy lâu bị đánh giá là còn nhiều hạn chế?
- Ngành du lịch đang đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong khi chưa thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; nghiên cứu thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng giải pháp marketing điện tử trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Chúng ta sẽ tập trung khai thác lượng khách du lịch quốc tế từ các thị trường và phân khúc thị trường có khả năng chi tiêu cao thông qua các biện pháp: Thực hiện công tác nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp; xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể phát triển thị trường du lịch, hướng tới các mục tiêu dài hạn; triển khai các chiến dịch marketing gắn với chiến lược sản phẩm, dịch vụ; phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch và vùng du lịch nổi bật để định vị điểm đến du lịch Việt Nam theo hướng tập trung, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực; phát triển và đổi mới sản phẩm để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!