Tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh
Các thành viên Hội đồng nhận định, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới. Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn cho cả năm 2021 - 2022 chứ không chỉ trong năm nay, với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Thực lực DN của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là DN vừa và nhỏ. Do đó, không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới, tức là bên cạnh hỗ trợ DN, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu. TS Trần Đình Thiên |
Theo TS Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng… Tâm đắc với cách ví von "cỗ xe kinh tế" như "cỗ xe tam mã" (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), TS Trần Du Lịch nhìn nhận, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Tăng trưởng từ 3 - 4%, lạm phát dưới 4%
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. “Tuy nhiên, các đồng chí đều lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn”. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó Thủ tướng cho rằng cần lưu ý cảnh báo này trong điều hành cụ thể.
Theo Thủ tướng, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3 - 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành.
Cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực…
Thủ tướng khẳng định, mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ DN, kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Ngành ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất chia sẻ khó khăn với DN và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.
Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số…