Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương tối thiểu theo vùng - Doanh nghiệp đồng tình nhưng mong hỗ trợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất của các bộ, ban, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức...

Kinhtedothi - Trước đề xuất của các bộ, ban, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) trong các DN áp dụng cho năm 2016 vào quý III/2015.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã tiếp xúc với nhiều chủ DN và lắng nghe những tâm tư của họ cũng như giải pháp, kiến nghị để thực hiện khi Nghị định chính thức có hiệu lực thực thi.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, huyện Thạch Thất. 	Ảnh: Thanh Hải
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải
Theo tìm hiểu, đa số các DN đều đồng tình với kiến nghị điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu. Bởi theo thực tế, với mức lương như vậy mới đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho NLĐ, nhưng cũng có kiến nghị là mong tiếp tục được tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh thì khi Nghị định được ban hành mới có hiệu quả.

Phù hợp với thực tế

Là DN chuyên kinh doanh về đèn trang trí nội thất hơn 10 năm, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật thương mại và sản xuất Việt Trung (55 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm) Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ: “Mức lương tối thiểu theo đề xuất đưa ra có thể đảm bảo cho NLĐ sinh hoạt, tôi hoàn toàn đồng tình vì so với mức thu nhập của các nước, tôi thấy còn thấp. Bởi, lương lao động phổ thông cơ bản đáp ứng được nhưng với những người có trình độ thì mức lương này chưa tương xứng. Tôi mong có nhiều chính sách cụ thể hơn hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó có thể trả được mức lương tối thiểu cho NLĐ đảm bảo sinh hoạt, thậm chí có những chế độ đãi ngộ tốt hơn để người lao động gắn bó với DN”. Ông Nam cho biết, hiện mức lương Công ty trả cho cán bộ, nhân viên, kể cả lao động phổ thông trung bình 5 triệu đồng/tháng, vì trừ chi phí, lợi nhuận kinh doanh cũng phải đảm bảo mức tối thiểu cho NLĐ để duy trì sinh hoạt hàng ngày.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Tiếp vận HP Nguyễn Hữu Chính cũng nhất trí với đề xuất tăng lương tối thiểu. Theo ông Chính, thực tế ở các DN tư nhân, mức lương cơ bản cũng khoảng từ 3 - 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, để nâng mức lương tối thiểu, DN cần phải tăng năng suất của lao động, lựa chọn lao động chất lượng đáp ứng xứng đáng với mức lương, cơ cấu lại hệ thống nhân sự gọn nhất, hiệu quả nhất, đồng thời củng cố và phát triển DN hiệu quả hơn.

Mong hỗ trợ để thực hiện

Chia sẻ giải pháp của DN để thực hiện việc tăng lương khi Nghị định được ban hành, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Công ty TNHH TMXD Vĩnh Phúc (474 đường Trường Chinh, Đồng Xuân, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) chuyên sản xuất cơ khí chế tạo máy công nghiệp cho rằng, đầu tiên là phải tăng năng suất lao động, bổ sung thiết bị máy móc, đầu tư thêm công nghệ mở rộng kinh doanh… Bên cạnh đó, DN cũng phải tính đến việc tiết kiệm các phụ phí như tiền điện, nước, các chi phí văn phòng… giảm chi tiêu đến mức tối thiểu có thể. Công ty cũng đã tiến hành đàm phán lại với đối tác, khách hàng để cùng chịu chung với DN về chi phí nhân công cho sản phẩm.

Từ những thực tế cho thấy, việc tăng lương đối với nhiều DN là cả vấn đề nếu DN không được hỗ trợ và có chính sách tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. “Nói chung Nghị định ra thì phải thực hiện, mỗi DN phải nỗ lực và mong có nhiều chính sách hỗ trợ để DN phát triển kinh doanh” - ông Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Phận – Trưởng phòng Pháp chế - An toàn vệ sinh lao động, Công ty TNHH Vận tải biển Nam Duy Trung (số 10/A17 Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP Hồ Chí Minh) chi nhánh Hải Phòng cho biết, để đảm bảo mức lương tối thiểu cho NLĐ năm 2016, DN đã chủ động đề ra những giải pháp như sẽ giảm biên chế và sáp nhập các phòng ban. Với lao động dôi dư, Công ty chuyển làm công việc khác cho phù hợp và thực hiện đúng theo định biên an toàn tối thiểu mà Cục Hàng hải Việt Nam quy định. Ngoài ra, những tàu chuyên chở hàng dời, hàng bao, Công ty sẽ tăng cường nhân lực cho những bộ phận phải làm nhiều như boong (thủy thủ). Đặc biệt, khi quỹ lương tăng, Công ty sẽ nâng cao năng suất lao động, cụ thể, số chuyến tàu vận chuyển hàng tháng là 2 chuyến/tháng sẽ phấn đấu năm 2016 là 3 chuyến/tháng. Sản lượng hàng hóa hiện nay bình quân mỗi tháng vận chuyển 15.000 tấn sẽ tăng lên 22.000 tấn/tháng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị trên tàu để xử lý kịp thời, tránh hỏng hóc gây nên các sự cố không đáng có, dẫn đến mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí sửa chữa. Đồng thời, tăng cường đào tạo, giáo dục ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động cũng như thực hiện nghiêm túc các quy trình vận hành thiết bị trên tàu của toàn bộ thuyền viên, tránh các sự cố về an toàn lao động...

Theo ông Phận, bất kỳ DN nào khi được tạo điều kiện và phát triển đều có những chính sách đãi ngộ với NLĐ tốt hơn.

Rõ ràng việc điều chỉnh mức lương theo vùng là phù hợp với thực tế, đối với các DN là công ty CP, tư nhân để thực hiện chính sách này cũng là bài toán không đơn giản. Bản thân mỗi DN đều phải tự nỗ lực cải thiện, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các DN đều có chung mong muốn được cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, có nhiều chính sách hỗ trợ để DN không chỉ đảm bảo tốt đời sống cho người lao động mà đó cũng là cơ sở để DN phát triển.
Tăng lương đồng nghĩa với việc quỹ lương sẽ tăng, Công ty đã có 3 giải pháp thực hiện là: Tăng cường các biện pháp để khai khai thác nguồn hàng in trong và ngoài tỉnh; Tăng năng suất lao động; Tiết kiệm chi phí đầu vào. Điều DN kiến nghị muốn kiến nghị hiện nay là cần có các chính sách ưu tiên giải quyết việc làm cho các ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm ổn định việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP In Hà Giang Hà Văn Trang