Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng mức trần học phí chất lượng cao: Cần có lộ trình phù hợp

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GD&ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đề xuất tăng mức trần học phí trường chất lượng cao (CLC) giai đoạn 2017 – 2020 từ 3,9 triệu đồng lên 5,3 triệu đồng/học sinh (HS)/tháng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tăng mức trần học phí chưa phù hợp, chưa công bằng giữa trường nội và ngoại thành.
 Trần học phí tăng dần
Tính đến thời điểm này, Hà Nội có tổng số 13 trường được công nhận CLC, trong đó có 8 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Mức thu học phí bình quân hiện tại là 2,4 triệu đồng/HS/tháng (bậc mầm non), 2,175 triệu đồng/HS/tháng (bậc tiểu học), 2 triệu đồng/HS/tháng (bậc THCS).

Học sinh trường THPT Phan Huy Chú trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục CLC ngày càng tăng là đáp ứng đúng nhu cầu của người dân Hà Nội. Vì vậy, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập CLC, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do mức trần học phí được điều chỉnh từ năm 2015 - 2016 đã hết thời gian áp dụng, nên Sở GD&ĐT đề xuất mức trần học phí và cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập CLC từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 – 2020. Theo đó, bậc mầm non, tiểu học từ 3,9 - 5,1 triệu đồng/HS/tháng với tỷ lệ tăng ở 2 bậc này từ 8,51 - 10,26%; bậc trung học tăng từ 4,1 - 5,3 triệu đồng/HS/tháng với tỷ lệ tăng từ 8,16 - 9,76%. Trên cơ sở mức trần học phí này, hàng năm, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập CLC căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn, cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định và mức hỗ trợ của ngân sách để quyết định mức thu học phí cụ thể...
Chưa công bằng giữa nội, ngoại thành
Ủng hộ việc phát triển mô hình trường CLC của Hà Nội vì đã mang lại cơ hội đổi mới cho các trường, nâng cao chất lượng dạy - học, hướng tới đào tạo toàn diện HS..., song cũng có ý kiến cho rằng, mức trần học phí đưa ra quá cao so với đời sống chung của người dân, hơn nữa tạo ra khoảng cách lớn với các trường công lập khác.
GS.TSKH Bùi Thị An khẳng định, việc đi đầu trong giáo dục là nhiệm vụ của Thủ đô, nên mô hình giáo dục CLC là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học. Việc đặt ra mức trần học phí là phù hợp vì chỉ những cơ sở đủ uy tín, có thương hiệu, chất lượng mới có thể áp dụng, lại phù hợp với xu hướng tự chủ, xã hội hóa. Cũng đồng tình với việc mở rộng mô hình trường CLC, song khá nhiều ý kiến đề xuất xem xét mức trần học phí phù hợp với từng địa phương. Như một đại diện của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phân tích: Qua thống kê học phí của một số trường ĐH uy tín, ví dụ ĐH FPT cao nhất chỉ 22 triệu đồng/HS/năm; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông 15 triệu đồng/HS/năm... Trong khi trường CLC, bậc mầm non đưa mức trần lên 4,1 triệu/HS/tháng (2017) và lên đến 5,1 triệu/HS/tháng (2020) là quá cao so với đời sống chung của người dân. Trần học phí đến năm 2016 là 3,2 - 3,4 triệu đồng/HS/tháng, nhưng một số trường chỉ thu được 53%. Ví dụ trường Mầm non Sài Đồng thu được 2,25 triệu đồng/HS/tháng. Tới đây tăng cao, liệu có thu được không, có thu hút được HS? Hơn nữa, mức học phí giữa trường quận nội thành và ngoại thành như nhau là không phù hợp.
Đề xuất tăng trần mức học phí cũng khiến nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, đặc biệt là việc “đánh đồng” mức trần học phí các trường công lập CLC nội thành và ngoại thành. Lý do chủ yếu của việc này là sự không công bằng với người dân khi mức sống không tương đồng. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất xem xét mức trần học phí cho hài hòa với nhiều đối tượng HS, cần có lộ trình tăng học phí, thu theo vùng, địa phương cho phù hợp. Đồng thời có cơ chế giám sát hoạt động trường CLC, bảo đảm công khai minh bạch, đúng các quy định của Nhà nước và TP.