Tuy nhiên, trên lộ trình thực hiện nhiệm vụ chính trị này, nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh vẫn cần tiếp tục phải tháo gỡ để tiến trình cổ phần hóa được thực hiện theo đúng lộ trình đã được phê duyệt.
Phóng viên đã trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
- Theo ông đâu là những vướng mắc chủ yếu làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là của khối doanh nghiệp trung ương?
Ông Đặng Quyết Tiến: Theo tôi, có ba nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến trình cổ phần hóa thời gian qua. Thứ nhất, Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế từ năm 2011 đến nay nên thị trường chứng khoán, thị trường thu hút vốn cũng bị ảnh hưởng, kéo theo những tác động bất lợi cho tiến trình cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách theo thời gian đã trở nên lạc hậu trong khi giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tiến hành cổ phần hóa nên rất cần những cơ chế chính sách tháo gỡ mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, khi thị trường vẫn khó khăn, các cơ chế chính sách cũng mới bắt đầu hoàn thiện, những người đứng đầu bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty lại e dè, chưa quyết liệt thực hiện cổ phần hóa cũng chính là yếu tố cộng hưởng khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại.
- Một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa tập trung 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến 2015 sẽ tạo nguồn cung quá lớn cho thị trường có quy mô nhỏ, còn nhiều khó khăn như thị trường Việt Nam. Theo đó, việc cổ phần hóa tập trung như vậy sẽ có thể khiến tài sản Nhà nước bị mất mát khi cố phiếu bị bán thấp hơn giá trị thực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đặng Quyết Tiến: Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục nhưng chưa thể phát triển mạnh mẽ như giai đoạn trước nên việc tiến hành tập trung cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước sẽ có thể tạo ra nguồn cung quá lớn cho thị trường.
Tuy nhiên trong chỉ đạo của Chính phủ và trung ương, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cổ phần hóa có lộ trình, có kế hoạch chứ không phải là cổ phần hóa bằng mọi giá. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành, đặc biệt là các bộ trưởng rà soát lại các đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc khối trung ương đã được phê duyệt từ giai đoạn đầu 2011-2015, chọn ra những doanh nghiệp có đủ điều kiện để cổ phần hóa.
Đủ điều kiện ở đây là đủ điều kiện cổ phần hóa và có thị trường, tức là sẽ bán được cổ phần khi thực hiện IPO. Những doanh nghiệp mà thấy khó khăn, còn phải xử lý tồn tại, còn phải tìm các đối tác khác thì sẽ chọn phương án chọn cổ đông chiến lược trước. Cùng với cổ đông chiến lược sẽ thực hiện tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả, đảm bảo khi IPO sẽ đạt được kết quả mong muốn.
- Thoái vốn đầu tư ngoài ngành được coi là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải. Vậy theo ông, ngoài sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các doanh nghiệp cần phải làm gì nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên?
Ông Đặng Quyết Tiến: Ngoài cơ chế chính sách quy định của Chính phủ, đối với lãnh đạo mỗi tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp phải xác định việc thoái vốn là nhiệm vụ, trách nhiệm cần thiết. Vì vậy, đầu tiên, lãnh đạo các đơn vị phải rà soát các danh mục, phải xem hiện khoản đầu tư cần thoái vốn đó đang ở đâu, đâu là giải pháp phòng ngừa rủi ro cụ thể. Hay theo đúng quy định thì doanh nghiệp phải thiết lập cơ chế dự phòng, nếu vẫn chưa lấp đủ thì phải tiếp tục lấp đủ.
Sau đó, doanh nghiệp phải tích cực tìm đối tác để thoái vốn. Theo tôi, giải pháp Chính phủ đưa ra là nguyên tắc chung để doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc phải báo cáo bộ chủ quản và Bộ Tài chính để xử lý kịp thời với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng để xử lý.
Theo quan sát của Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện, những tập đoàn nào mà bám sát quy trình này và quyết liệt hơn thì đảm bảo thoái vốn được. Ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đúng lộ trình Chính phủ quy định.
- Các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước hiện nay ngoài thực hiện công việc kinh doanh còn phải thực hiện nhiệm vụ công ích với xã hội. Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tách bạch giữa sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích xã hội sau cổ phần hóa, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Theo tôi, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ lần này là rất rõ ràng. Theo đó, bên cạnh việc tạo thêm nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp trong nước, cổ phần hóa là để nâng cao quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như minh bạch hóa thông tin.
Vì vậy, khi đã quyết tâm tiến hành quản trị theo thông lệ thị trường, minh bạch thông tin thì việc kinh doanh và việc cung cấp sản phẩm công ích cho Nhà nước cũng sẽ được minh bạch. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sắp tới sẽ trình Chính phủ phương pháp tách hạch toán ra.
Điều này có nghĩa là đã là kinh doanh thì phải theo thông lệ thị trường, còn nếu cung cấp sản phẩm công ích thì phải hạch toán riêng. Khi Nhà nước muốn mua sản phẩm công ích đó sẽ phải trả đúng, trả đủ theo giá thành để đảm bảo doanh nghiệp không bị mất vốn và đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ là đa sở hữu và phải niêm yết trên thị trường chứng khoán nên sẽ có sự kiểm soát, giám sát của các cổ đông khác. Bất kỳ một sự không rõ ràng, đan xen giữa hoạt động kinh doanh đơn thuần và hoạt động cung cấp sản phẩm công ích cho nước đều sẽ bị các cổ đông yêu cầu giải trình. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tính đúng, tính đủ chi phí bỏ ra.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành biểu giá điện, trong đó khẳng định rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc minh bạch giá điện. Theo đó, các khoản trước đây mà ngành điện phải hỗ trợ cho người nghèo thì hiện nay, phần tiền mà Chính phủ muốn hỗ trợ cho người nghèo thì Chính phủ phải chi từ ngân sách nhà nước, chứ không tính vào giá điện mà ngành điện đang kinh doanh.
- Xin ông cho biết những công việc cụ thể mà Chính phủ đang thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa?
Ông Đặng Quyết Tiến: Tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước, trong đó đã đưa ra các giải pháp quyết liệt.
Về mặt thể chế, đến nay, Chính phủ đã ban hành đầy đủ các quy định pháp lý tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy cổ phần hóa như Nghị định 189, Nghị định 59; vấn đề về xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình hoạt động có nghị định 206; vấn đề thoái vốn đã có Nghị quyết 15.
Trong tháng Ba vừa qua, Thủ tướng ban hành thêm Chỉ thị 06 trong đó đã đưa ra cụ thể hướng dẫn các nội dung thực hiện, trong đó có giao trách nhiệm các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hằng tháng, các bộ sẽ phải ngồi họp lại với nhau, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp sẽ giao ban với từng bộ ngành, từng địa phương để tháo gỡ khó khăn trong từng phương án cổ phần hóa. Hay nói cách khác, phối kết hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ phải quyết liệt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Công ty cổ phần Dệt 10-10 (Hà Nội) nhiều năm hoạt động theo mô hình cổ phần hóa.
|