Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng sức hút cho làng nghề Hạ Thái

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề từ ngày 8/12/2020. Với tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thì nơi đây còn thiếu thốn đủ bề.

Khách du lịch trải nghiệm làm sản phẩm sơn mài Hạ Thái.
Mỗi năm làng nghề sơn mài Hạ Thái sản xuất ra hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm mà còn là kết tinh dấu ấn bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của nghệ nhân làng nghề. Để phát triển nghề theo hướng bền vững, cuối năm 2019, được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, xã Duyên Thái đã thành lập được Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái rộng 12ha, thu hút hơn 100 hộ sản xuất.
Do lợi thế nằm gần trung tâm Thủ đô, giao thông thuận lợi, Hạ Thái có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hàng năm lượng khách về thăm làng nghề còn ít, chủ yếu là khách lẻ. Khi về đây, khách du lịch mới chỉ được tham quan làng nghề, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm. Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho biết: Để phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp như Bát Tràng, Hạ Thái còn thiếu thốn đủ bề. Theo bà Hồi, cái yếu nhất của làng nghề hiện nay chính là nhân lực làm du lịch. Bản thân các cơ sở sản xuất vẫn chỉ tập trung sản xuất, chưa quan tâm đến nhu cầu của du khách. Hơn nữa, người dân còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ để giao lưu với khách nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của làng nghề cũng chưa đồng bộ, thiếu các điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, khu vực cho khách du lịch trải nghiệm. “Nhu cầu của khách du lịch không chỉ là đến tham quan, ngắm nhìn sản phẩm rồi đi về mà họ mong muốn được tìm hiểu về văn hóa của làng nghề, được trải nghiệm làm ra sản phẩm, sau đó là mua sắm sản phẩm” – bà Hồi phân tích.

Để phát triển làng nghề thành một điểm đến hấp dẫn, bà Hồi cho rằng, người dân phải được trang bị kiến thức làm du lịch. Các hộ gia đình cần giúp du khách gia tăng trải nghiệm, hướng dẫn họ làm thử một vài khâu trong quy trình sản xuất. Đặc biệt, cần sản xuất các mặt hàng nhỏ gọn, thuận tiện để du khách mua làm quà, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề. “Chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện tổ chức lớp học nâng cao tay nghề cho hội viên hay các cuộc thi thiết kế mẫu mã. Đặc biệt, mong muốn địa phương tạo điều kiện xây dựng một khu trải nghiệm làm sản phẩm cho du khách” – bà Hồi bày tỏ.