Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tần suất thanh, kiểm tra chất lượng nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng nước đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Hà Nội, nhất là sau dự cố đường ống dẫn nguồn nước sạch sông Đà 9 lần bị vỡ cũng như Trạm cấp nước Mỹ Đình II bị đình chỉ hoạt động.

Tăng tần suất thanh, kiểm tra chất lượng nước - Ảnh 1
Cơ quan chức năng sẽ làm gì để giám sát chất lượng nước trong thời gian tới? Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Thưa ông, sau mỗi sự cố về chất lượng nước, cơ quan chức năng đều tăng cường thanh, kiểm tra. Liệu đây có phải là động thái "chạy theo đuôi" vi phạm?

- Không phải đến bây giờ Sở Y tế mới vào cuộc. Từ trước đến nay, việc thanh, kiểm tra chất lượng nước vẫn được tiến hành định kỳ, thường xuyên với sự tham gia của 4 Sở là Sở Xây dựng, Sở NN& PTNT, Sở TN&MT và Sở Y tế. Trong đó, việc phân trách nhiệm quản lý cũng rất rõ ràng.

Mới đây, kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về chỉ số asen trong nước tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II lại khác hoàn toàn so với kết quả mà TTYT Dự phòng Hà Nội đưa ra một tháng trước đó? Dự luận đặt câu hỏi, có hay không, cơ quan chức năng đã từng làm ngơ về vi phạm của cơ sở?

- Biến động nước liên quan đến asen có nhiều nguyên nhân. Thêm vào đó, chất lượng nguồn nước ngầm của Trạm cấp nước Mỹ Đình không ổn định. Nguyên nhân do trạm khai thác nước ngầm ở độ sâu 60m nên bị ảnh hưởng thẩm thấu nước mặt. Cụ thể, tại thời điểm mùa mưa, không riêng asen mà còn chỉ số khác cũng tăng hơn so với mùa khô. Do vậy, có thể hôm nay mẫu này đạt nhưng hôm sau lại không đạt. Ngay sau khi thi công xong, công ty đã tiến hành điều chỉnh công nghệ và kiểm tra chất lượng nước. Mẫu nước từ tháng 1 - 6/2014 do TTYT Dự phòng kiểm tra đều đạt yêu cầu, thậm chí mẫu nước tháng 5/2014 còn có chỉ tiêu asen thấp hơn 10 lần so tiêu chuẩn.

Vậy tới đây, Trung tâm có tăng cường kiểm tra để  giám sát tốt chất lượng nguồn nước?

- Theo quy định của Bộ Y tế, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt phải được tiến hành thường xuyên. Mặt khác, mỗi đơn vị cấp nước phải tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nước của chính đơn vị đó. Và không phải chờ đến khi y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, các nhà máy nước định kỳ hàng tuần họ phải đi kiểm tra. Còn về phía ngành y tế có chức năng, nhiệm vụ giám sát theo quy định. Tuy nhiên, tới đây chúng tôi sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, tăng tần suất lấy mẫu xét nghiệm, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Xin cảm ơn ông!

 
Ngày 24/7, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 5468/UBND-XDGT gửi các đơn vị liên quan về việc cung cấp nước sạch cho các hộ dân tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Theo đó, TP yêu cầu Công ty CP Tu tạo và phát triển nhà Hà Nội khẩn trương phối hợp với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) giải quyết những vướng mắc trong việc tiếp nhận, bàn giao hệ thống cung cấp nước sạch cho 7 tòa nhà gồm: CT2A, CT2B, CT2C, CT5A, CT5B, CT5C, CT5D Khu đô thị Mễ Trì Hạ bảo đảm cấp nước sạch cho dân trước 31/7. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với quận Nam Từ Liêm kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trên thực hiện. Trường hợp các đơn vị không thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng kiểm tra những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, đề xuất biện pháp giải quyết và xử lý trách nhiệm các bên liên quan báo cáo TP trước ngày 20/8. (Trần Quý)