Theo Thông tư 197/2011 BTC, từ ngày 28/12, các mặt hàng xăng động cơ nhập khẩu (bao gồm cả xăng pha chì, không pha chì, xăng máy bay…) sẽ được áp thuế suất 4%, thay vì 0% như hiện hành. Riêng thuế suất đối với dầu diesel sẽ được điều chỉnh lên mức 5% nhưng được áp dụng kể từ ngày 1/1/2012.
Trao đổi về nội dung điều hành thị trường xăng dầu hiện nay, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, nếu giảm được giá bán lẻ xăng dầu hiện nay thì tốt nhưng việc trước mắt phải dần dần đưa kinh doanh xăng dầu về với thị trường theo đúng nghĩa hơn. Xăng dầu là mặt hàng phải điều chỉnh giá theo thị trường, khi giá thế giới tăng sẽ phải điều chỉnh tăng, giá thế giới giảm sẽ điều chỉnh giảm. Thời gian qua, trước sức ép của giá thế giới, thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đã giảm về mức 0% để hỗ trợ cho DN. Hiện nay giá xăng dầu nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh thì tiếp tục tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để cân đối ngân sách.
Trong phương án điều hành giá xăng dầu thời gian tới sẽ theo nguyên tắc, nếu giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá hiện hành bình quân 30 ngày sẽ phải điều chỉnh giá tăng để bảo đảm cho DN kinh doanh bình thường; không thể cứ mua cao, bán thấp làm suy kiệt nguồn tài chính của DN và đẩy tình trạng buôn lậu xăng dầu thêm phức tạp. Nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).
Ngoài ra, Cục Quản lý giá cho rằng thuế xăng dầu cần được điều hành linh hoạt, vả lại mức thuế áp dụng cho cả năm 2012 nên mức dự tính cần từ 0% đến mức tối đa theo thoả thuận với WTO.
Như vậy, ngay sau khi giảm mức trích quỹ bình ổn (250 đồng với xăng và 310 đồng cho một lít dầu diesel), Bộ Tài chính đã tăng thuế xăng dầu. Đây là 2 công cụ được cơ quan điều hành sử dụng trong giai đoạn kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn do giá thế giới tăng cao nhưng vẫn phải ổn định giá bán trong nước. Do đó, nhiều ý kiến đánh giá, việc giảm mức trích quỹ và tăng thuế cho thấy doanh DN kinh doanh xăng dầu đã bắt đầu có lãi.