Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng thuế VAT không tác động lớn đến người nghèo?

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các hộ gia đình giàu có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, dùng hàng hóa đắt hơn nên phần thuế giá trị gia tăng (VAT) phải trả sẽ cao hơn.

Khi VAT thấp, người nghèo tiết kiệm được 10.000 đồng thì người giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Điều này có nghĩa, VAT thấp đang mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo”-Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho hay.
Có ý kiến cho rằng, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có vẻ như đang bênh người giàu và đặt gánh nặng lên vai người nghèo. Ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Mức độ ảnh hưởng của tăng thuế VAT còn phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Cụ thể, các hộ gia đình giàu có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, dùng hàng hoá đắt hơn nên phần VAT họ trả theo đó sẽ cao hơn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, 20% hộ nghèo chỉ phải trả khoảng 9% tổng số thuế VAT. Trong khi đó, 20% hộ giàu trả đến 40% tổng VAT.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Ngược lại, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập. Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy, việc tăng thuế suất thuế VAT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Hơn nữa, với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật...
VAT đánh trực tiếp vào hàng hóa. Vậy, đề xuất tăng thuế VAT sẽ tác động đến giá của các loại hàng hóa, thưa ông?
- Mỗi sắc thuế không thể đảm bảo công bằng một cách tuyệt đối với mọi đối tượng. Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế VAT nhưng ở mức ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng cho người có thu nhập thấp. Hiện, Việt Nam có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT ở mức ưu đãi 5%.
Năm 2016, thu thuế VAT chiếm 33% tổng thu thuế và 24% tổng thu ngân sách. Tỷ trọng thuế VAT trên tổng thu thuế, phí cao, thậm chí cao hơn nhiều cho với một số nước châu Âu mặc dù các nước này có mức thuế suất thuế VAT cao hơn Việt Nam. Điều này có phù hợp không, thưa ông?
- Trong khu vực, thuế suất thuế VAT của một số nước có thể thấp hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ thu của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế VAT trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thì lại cao hơn. Cụ thể, ở Việt Nam tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ năm 2016 chiếm khoảng 47,5% tổng thu NSNN, mức tỷ lệ này thấp hơn Thái Lan (53,9%), Lào (55,9%), Campuchia (55,5%) và nhỉnh hơn Philippines (45,6%).
Đối với một số nước châu Âu, mặc dù thuế suất thuế VAT cao nhưng tổng số thu từ thuế VAT/tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam. Ví dụ, Đan Mạch tỷ trọng thu VAT/tổng thu thuế, phí là 19,24% nhưng tổng thu thuế/GDP lại chiếm 49,9%; Đức là 18,37% và 38,1%; Tây Ban Nha 18,45% và 33,6%; Anh 20,73% và 25,37%. Trong khi đó, ở Việt Nam tuy tổng số thu thuế VAT/tổng thu ngân sách là 24,5% nhưng tổng số thu từ thuế, phí năm 2016 chỉ chiếm khoảng 21% GDP.
Tăng thuế VAT có thể thiết lập một mặt bằng giá mới, điều này ảnh hưởng thế nào đến lạm phát?
- Đề xuất tăng thuế VAT hiện nay sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI “một lần” trong khoảng 0,06 -0,39%. Như vậy, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế VAT thì mới phát sinh tăng lạm phát. Lạm phát của Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai vẫn ở mức thấp. Do vậy, năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.
Xin cảm ơn ông!
Chia sẻ với báo chí những phân tích về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và sửa 5 luật thuế gần đây của Bộ Tài chính, ông Sebastian Eckhardt - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đề xuất cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính là rất quan trọng và kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ số thu thuế trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016. Hiện nay, tỷ lệ động viên trên GDP của Việt Nam đã giảm 5,2% so với thời điểm năm 2010 và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công. Mức chênh lệch tài khóa trên cần được thu hẹp để đảm bảo bền vững nợ công.
Liên quan đến đề xuất tăng thuế VAT hiện nay, ông Sebastian Eckhardt cho rằng sẽ dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “một lần” trong khoảng 0,06 - 0,39%. Tuy nhiên, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế VAT thì lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại. (Trâm Anh)