Kinhtedothi - Ngày 21/10, mạng lưới các chuyên gia và tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế, hoạt động vì quyền lợi của người nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam gọi tắt là Liên minh Nông nghiệp tổ chức hội thảo kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, xem xét về cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam dưới góc độ an ninh lương thực, các phương thức canh tác nông nghiệp bền vững và chuỗi giá trị của thị trường lúa gạo.
Một số ý kiến cho rằng để nâng cao tính cạnh tranh của ngành lúa gạo đảm bảo quyền lợi của người sản xuất nhỏ là nông dân cần tính đủ chi phí sản xuất vào trong giá gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Liên minh Nông nghiệp) cho rằng, cần phải làm rõ chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay, trong đó yếu tố then chốt quyết định các vấn đề của ngành lúa gạo hiện nay là thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này dẫn tới hệ quả như sự khai thác tối đa tài nguyên đất, thiếu chọn lọc về giống và chất lượng…đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Chúng tôi cho rằng cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện của mình. Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như lúa gạo chất lượng cao, gạo đặc sản. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán.
Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu còn đưa ra đề xuất một số giải pháp khác như bãi bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu, tiểu thương…
Báo cáo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cho thấy, sự gia tăng lúa gạo gần như liên tục trong hơn 20 năm qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Cụ thể, từ mức xuất khẩu gạo khoảng 2 triệu tấn năm 1995, sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên mức 3 triệu 480.000 tấn vào năm 2000 và khoảng 8 triệu tấn vào năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu gạo cũng tăng từ mức 854 triệu USD năm 1996 lên mức 3 tỷ 600 triệu USD vào năm 2012.
Tuy nhiên, bất cập là khi sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của nông dân, kèm theo đó là nguy cơ đất trồng bị thoái hóa và ô nhiễm môi trường tăng cao. Việc chú trọng đến tăng sản lượng cũng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng, đặc biệt là tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc...
Quang cảnh hội nghị.
|