Nhiều chính sách hỗ trợ riêng
Thực hiện chủ trương tái đàn, tăng đàn của Bộ NN&PTNT, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng giúp người chăn nuôi phục hồi đàn lợn. Đơn cử, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 4 triệu đồng/nái hoặc đực giống khi nuôi tái đàn. Mức hỗ trợ tại tỉnh Vĩnh Phúc là 2 triệu đồng/nái; TP Hà Nội là 5 triệu đồng/nái; tỉnh Hưng Yên 1 triệu đồng/nái và 500.000 đồng cho mỗi cơ sở để mua vật tư, men vi sinh để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình có chương trình hỗ trợ 20% kinh phí mua lợn nái giống ngoại cho các trang trại để tái đàn. Hai tỉnh Thanh Hóa và Thái Nguyên hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi con nái ông bà. Tỉnh Nghệ An hỗ trợ 1 triệu đồng/nái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ. Còn tại tỉnh Bình Dương, chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi tái đàn từ 20 con lợn trở lên.
Nguồn cung thịt lợn được nhận định sẽ dồi dào hơn trong thời gian tới. Ảnh: Buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Tùng Nguyễn |
Chi 150 tỷ đồng từ ngân sách cho người chăn nuôi vay không lãi suất 12 tháng để phục hồi đàn lợn là giải pháp được tỉnh Bình Phước đưa ra. Trong khi tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn là Đồng Nai, tỉnh cũng hỗ trợ 60 trang trại, 622 hộ chăn nuôi và 49 tổ hợp tác chăn nuôi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ...
Với những chính sách hỗ trợ trên, kết quả khôi phục đàn lợn đạt được rất tích cực. Đến nay, tổng đàn cả nước đã đạt gần 25 triệu con lợn, tương đương gần 81% tổng số lợn trước khi bệnh dịch tả châu Phi bùng phát. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi lợn đạt bình quân 5,78%/tháng. Sản lượng thịt lợn từ đầu năm 2020 đến nay cũng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2019.
Quý IV sẽ không còn thiếu lợn?
Ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn, trong đó có số lượng lớn lợn giống. Điều này khiến thời gian qua, con giống phục vụ tái đàn tại nhiều địa phương trở nên khan hiếm. Kéo theo đó, giá cả con giống cũng bị đẩy lên mức cao. Để khắc phục vấn đề trên, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các DN nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà cùng khoảng 6.000 con lợn bố mẹ. Dự kiến trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ và 400.000 con lợn bố mẹ, bảo đảm đủ giống để tái đàn cho giai đoạn 2021 – 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với sự vào cuộc chủ động của nhiều địa phương, nhiều khả năng đến quý IV/2020, ngành chăn nuôi sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu về lợn thương phẩm cũng như lợn giống. Theo ông Tiến, về lâu dài, việc thúc đẩy phục hồi nhanh đàn lợn vẫn sẽ là giải pháp căn cơ nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt thịt lợn, tiến dần đến bình ổn giá cả mặt hàng này.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quyết định 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời nghiên cứu, ban hành thêm một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, tăng đàn, đặc biệt là về lãi suất tiền vay và đất đai.
Để bảo đảm nguồn cung trong nước và bình ổn giá thịt lợn, cùng với đẩy mạnh phục hồi tổng đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ các DN nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ NN&PTNT cũng đã lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Hiện, hàng trăm con lợn sống đã về đến Việt Nam. |