Theo đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo việc rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho HS, trẻ em; đặc biệt là điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội. Song hành với đó là việc rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời cho trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi. Vậy nhưng, thực tế, nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em vẫn chưa có biển cảnh báo hoặc làm cho có lệ.
Trao đổi với báo chí về việc quy trách nhiệm các vụ tai nạn đuối nước cho người đứng đầu chính quyền địa phương, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan nhận định: “Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc phòng, chống đuối nước cho HS, trẻ em. Bởi các cấp xã, phường mới biết trên địa bàn mình có ao, sông, hồ và những nguy cơ có thể dẫn đến trẻ em, HS bị chết đuối. Và có thể quản lý được trên địa bàn những công trình xây dựng làm xong có thể gây ra các nguy cơ cao về tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Vì thế, đây là trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương trong việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em. Bà Lan cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ. Có thể chính quyền địa phương buông lỏng các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cao tại cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan có thể do gia đình, bản thân các em: “Trong thời gian tới, để làm rõ nguyên nhân gây tai nạn đuối nước trẻ em, chúng ta cũng phải phân định rõ ràng. Nếu nguyên nhân thuộc về gia đình thì trách nhiệm của bố mẹ phải được nâng cao nhiều hơn. Nếu thuộc về các cháu, chúng ta giáo dục nâng cao nhận thức và có biện pháp giúp các cháu trang bị kỹ năng an toàn trong phòng chống đuối nước. Còn nguyên nhân nào thuộc về chính quyền địa phương cần làm rõ. Có như thế thì mới quy được trách nhiệm cho từng đối tượng, từ đó tìm ra giải pháp tốt hơn trong thời gian tới”.
Ảnh minh họa |