KTĐT - Theo Thông tư số 234 /2009/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/12, các doanh nghiệp ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít xăng trả nợ ngân sách, đồng thời tăng trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu lên 300 đồng/lít hoặc kg.
Cũng theo quy định, các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; Trích lập Quỹ bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích bình ổn giá theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các Thương nhân đầu mối thực hiện.
Trong trường hợp giá cơ sở xăng dầu tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, các doanh nghiệp sẽ trích Quỹ Bình ổn giá thấp hơn 300 đồng/lít, kg hoặc có thể tạm thời ngừng trích Quỹ. Còn khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở mặt hàng xăng dầu giảm so với mức giá trước khi ngừng trích hoặc giảm mức trích Quỹ, Tổ Giám sát liên ngành về giá xăng dầu sẽ thông báo thời điểm khôi phục lại mức trích Quỹ.
Thông tư cũng nêu lại rõ hơn việc sử dụng Quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, nếu giá cơ sở xăng dầu tăng vượt 7 - 12% so với giá bán lẻ hiện hành, các doanh nghiệp sẽ tăng giá bán lẻ xăng dầu và 40% mức tăng này sẽ được bù đắp từ Quỹ. Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán theo quy định. Phần chênh lệch còn lại Bộ Tài chính và Công Thương sẽ quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá và các biện pháp kinh tế hành chính khác theo quy định hiện hành.
Trường hợp Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu phát hiện thương nhân đầu mối điều chỉnh giá bán xăng dầu không hợp lý, Tổ sẽ có văn bản thông báo đình chỉ giá bán, yêu cầu thương nhân phải bán với giá hợp lý theo quy định. Thanh tra Tài chính có trách nhiệm truy thu và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, kế toán thống kê theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính cũng đã quyết định thành thành lập Tổ giám sát Liên Ngành về giá xăng dầu theo công văn số 3130/QĐ-BTC . Nhiệm vụ của tổ giám sát là tiếp nhận hồ sơ về giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, theo dõi việc điều chỉnh giá xăng, dầu của các Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối; Xem xét, đề xuất báo cáo Liên Bộ về mức giá bán xăng, dầu. Bộ này cũng yêu cầu, chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giá xăng dầu của thương nhân đầu mối gửi, tổ giám sát liên ngành phải gửi ý kiến lên Bộ chủ quản để tổng hợp. Trường hợp Tổ giám sát phát hiện giá do thương nhân quy định không hợp lý sẽ có thông báo bằng văn bản theo chỉ đạo của lãnh đạo Liên Bộ cho thương nhân đầu mối. Trường hợp các yếu tố cấu thành giá biến động làm cho giá cơ sở tăng (hoặc giảm) trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, hoặc điều chỉnh giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Tổ Giám sát phải kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá để lãnh đạo Liên Bộ xử lý.