Kinhtedothi - Theo báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, từ quý II/2013 GDP hàng quý liên tục tăng trưởng; dự báo đà tăng này được duy trì trong năm 2014.
Cụ thể, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy trong quý III/2013 và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm.
Tăng trưởng GDP quý I/2014 (4,96%) cao hơn cùng kỳ hai năm trước nhờ sự phục hồi của khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và xây dựng.
Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu (tăng đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất…). Do vậy, triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn.
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, thu ngân sách có triển vọng khá hơn, thu ngân sách khu vực nội địa tăng cao so với cùng kỳ nhờ khu vực doanh nghiệp được cải thiện. Hệ thống ngân hàng chuyển biến khá, chất lượng tài sản của các TCTD được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm và huy động tiền gửi dân cư tiếp tục tăng khá.
Cùng với đó, tình hình doanh nghiệp được cải thiện khi các chỉ tiêu về khả năng trả nợ, đòn bẩy tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2013 đều có chuyển biến khá hơn cuối năm 2012. Trong đó, quý I/2014 Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD (mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010) đã tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; Các chỉ số về khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp đạt mức tốt nhất kể từ năm 2012, chỉ số đòn bẩy tài chính giảm (tỷ lệ nợ/tổng vốn) giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ số hiệu quả sản xuất kinh doanh được cải thiện…
Kinh tế vĩ mô ổn định cùng với tình hình doanh nghiệp được cải thiện giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước; thị trường chứng khoán khởi sắc. Khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ, thị trường bất động sản phần nào có chuyển biến khá hơn với giá trị tồn kho giảm liên tiếp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng vẫn còn những khó khăn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, đó là: Tổng cầu phục hồi chậm, tốc độ tăng tưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng; nông nghiệp chịu áp lực giảm giá nông sản; động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Tăng trưởng GDP của Việt Nam có dấu hiệu khả quan. Ảnh minh họa.
|