Nhìn lại năm 2016, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và mục tiêu 6,3 – 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2016. Đặc biệt, suy giảm thấy rõ trong ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Bàn về lạm phát, TS Nguyễn Đức Thành – Trưởng nhóm nghiên cứu lo ngại: “Dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra song cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017”. Nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng.
Khuyến nghị chính sách trong năm 2017, ông Thành cho rằng: “Cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô”. Như đã phân tích ở trên, có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu 4% cho cả năm 2017 là không dễ dàng. Khi lạm phát vượt quá 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung.
Điểm sáng của kinh tế năm 2017 được kỳ vọng là ở hoạt động của khối DN chế biến chế tạo. Nghị quyết 19 và 35/NQ - CP của Chính phủ được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là khối DN tư nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thời gian đạt được sự phối hợp nhất trí giữa các cơ quan thực thi 2 nghị quyết này.
Cùng với đó, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức. “Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách Nhà nước như khu vực hội, đoàn thể…” – ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu VEPR cũng khuyến nghị Chính phủ thận trọng ứng phó với các cú sốc mới từ bên ngoài. Đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017. Hay như việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Cũng không thể không nhắc tới việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm gây ra một số hệ lụy nhất định cho nền kinh tế…