Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng không phụ thuộc vào Samsung hay một vài sản phẩm thép...

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực.

Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-NSNN quốc gia 3 năm 2018-2020.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm như tăng trưởng kinh tế; giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại các ngành kinh tế; phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; sắp xếp bộ máy hành chính...
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan

Tại sao phải tăng trưởng 6,7%?

Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 được Quốc hội thông qua là 6,7%. Trước những khó khăn, diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế khu vực và quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng.

“Trước tình hình kinh tế quý I đạt rất thấp nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu 6,7%”, Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lúc đó nhiều ý kiến bên ngoài, thậm chí các chuyên gia cho rằng không chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà nâng cao chất lượng tăng trưởng.

“Cách diễn đạt như vậy tôi cho cũng hoàn toàn đúng. Nhưng ở đây tại sao phải tăng trưởng 6,7%, phải đảm bảo tăng trưởng như vậy để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nếu không tăng trưởng đạt 6,7% thì tất cả các bài tính về kinh tế vĩ mô của chúng ta năm 2017 phải tính lại hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mức tăng trưởng như vậy cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu ngân sách tăng hơn, đảm bảo các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từ đó góp phần để từng bước giảm bội chi, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Mặt khác, tăng trưởng cao hơn, nước ta mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới.

Lần đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai khoáng

Phó Thủ tướng cũng cho biết, kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực.

 Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận

“Đặc biệt, ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà kinh tế vẫn đạt được tăng trưởng. Lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp, chỉ số ICOR cao so với giai đoạn trước và những nước trong khu vực. Ứng dụng công nghệ cao còn thấp, gia công còn nhiều, giá trị gia tăng nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa cao. Năng suất lao động thấp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và cử tri cả nước, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước hết là tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Đồng thời, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Đồng thời, tổ chức lại thị trường nội địa, trong đó chú ý thị trường bán lẻ. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm xác định lộ trình, cơ cấu vốn đầu tư một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.