Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế từ năm 1976 đến nay được nhận diện trên một số điểm chủ yếu.
Thứ nhất, quy mô kinh tế năm 2013 đã cao gấp gần 7,8 lần năm 1976, trong đó nông nghiệp cao gấp gần 5,6 lần, công nghiệp cao gấp trên 32,4 lần, xuất khẩu cao gấp 593,3 lần, nhập khẩu gấp 129 lần… Bình quân 1 năm GDP đã tăng 5,71%, trong đó thời kỳ 1991-2005 đã tăng khá cao (7,17%/năm).
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng liên tục trong thời gian khá dài. Tính từ năm 1981 đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục 33 năm, có chăng chỉ thua kỷ lục thế giới tăng trưởng 36 năm liên tục mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ.
Ảnh minh họa.
|
Thứ ba, do quy mô GDP tăng cao hơn nhiều so với của quy mô dân số (cao gấp 7,79 lần so với 1,82 lần), nên GDP bình quân đầu người năm 2013 tính theo giá so sánh đã cao gấp gần 4,3 lần năm 1976, bình quân 1 năm tăng khoảng 4%, trong đó thời kỳ 1991-2005 đã tăng 5,6%/năm, một tốc độ tăng khá cao không phải thời kỳ nào và nước nào cũng có thể đạt được.
Thứ tư, cũng do quy mô GDP tăng cao gấp nhiều lần hơn so với quy mô lao động đang làm việc tăng (7,79 lần so với 2,9 lần), nên năng suất lao động đã tăng gần 2,71 lần, trong đó của thời kỳ 1991-2005 đã đạt 4,54%/năm, là tốc độ tăng khá cao.
Thứ năm, nhờ tăng trưởng kinh tế khá, dân số tăng chậm lại, giá USD tăng chậm hơn nhiều so với giá tiêu dùng và giá vàng, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá cao qua các năm. Nếu vào năm 1988 đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tiềm ẩn từ những năm 70, bùng phát trong những năm 80 của thế kỷ trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 86 USD, nằm trong vài chục nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới, thì đến năm 2010 đã đạt 1.273 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình và năm 2013 đã đạt 1.899 USD. Đây là sự chuyển đổi vị thế có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Thứ sáu, cùng với việc chuyển đổi cơ chế ở trong nước (từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp với hai loại hình quốc doanh và tập thể là chủ yếu sang cơ chế thị trường với nhiều loại hình kinh tế) là sự mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay đã có khoảng 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với lượng vốn đăng ký lên đến khoảng 270 tỷ USD, lượng vốn thực hiện đạt khoảng 114 tỷ USD; khu vực FDI đã chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% GDP, gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu, gần 1/4 tổng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tổng lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo cam kết đạt khoảng 81 tỷ USD, giải ngân gần 41 tỷ USD…
Hiện có trên dưới 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ buôn bán với Việt Nam, trong đó có hầu hết những nền kinh tế phát triển, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến trên 264 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 132 tỷ USD; tỷ lệ xuất, nhập khẩu/GDP đạt 155,1%. Việt Nam là nước có độ mở khá rộng, nằm trong tốp 5 nước trên thế giới có tỷ lệ trên cao như vậy. Trong quan hệ với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu lớn sang nước xuất siêu nhẹ trong vài ba năm nay.
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, về tăng trưởng kinh tế hiện nay cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Tốc độ tăng trưởng mấy năm nay đã chậm lại, vừa thấp hơn tiềm năng, vừa thấp hơn mục tiêu, làm xuất hiện nguy cơ tụt hậu xa hơn về quy mô tuyệt đối GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD. Chất lượng tăng trưởng nhìn chung còn thấp, nhất là về hiệu quả đầu tư, năng suất lao động.