Tăng trưởng thấp nhất 28 năm, Trung Quốc "cuống cuồng" kích thích kinh tế

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2018 chỉ tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2018 chỉ tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn mức 6,8% của năm 2017, trong đó tăng trưởng GDP quý IV của nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ đạt 6,4%, hạ so với mức 6,5% của quý III.
Trước đó, số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc sụt 7,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu của nước này cũng giảm 4,4%, so với mức dự báo tăng 3%. Đây là mức giảm mạnh nhất cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc kể từ 2016.
Lãnh đạo cơ quan thống kê của Trung Quốc cho biết, cuộc chiến thương mại của họ với Mỹ đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tuy nhiên tác động vẫn được kiểm soát. Sau khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, hai bên hiện trong thời kỳ 90 ngày đình chiến để đàm phán một thỏa thuận, muộn nhất là ngày 1/3 tới .
Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi tạo ra gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua, đang gây ra lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới và tác động tới lợi nhuận của các công ty, từ tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple cho đến các nhà sản xuất ôtô lớn.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được "một sự khởi đầu tốt" trong lĩnh vực kinh tế trong quý I/2019, qua đó phát đi tín hiệu giới chức nước này có thể tiến hành thêm các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn nhằm đối phó tình trạng tăng trưởng đang chững lại.
Theo lãnh đạo Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, song sẽ không triển khai ồ ạt các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ đẩy mạnh chi tiêu tài chính và tiến hành cắt giảm thuế nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất nhỏ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, không quá thắt chặt cũng như không quá nới lỏng, đồng thời đảm bảo sự tiến bộ và linh hoạt.
Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc đang gây ra lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới. 
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng ì ạch trong năm ngoái trong bối cảnh giới chức Trung Quốc tiến hành một loạt điều chỉnh cấu trúc dài hạn trong kế hoạch đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn.
"Các yếu tố khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vẫn chưa hoàn toàn tác động lên nền kinh tế. Và sự kết hợp của chúng là chưa từng có tiền lệ. Việc này đã tạo ra rủi ro và bất ổn rất lớn”, các nhà phân tích tại Moody’s cho biết trong một báo cáo trong tháng trước.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm nay để giảm nguy cơ mất việc lớn.
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, biện pháp này có thể giúp nền kinh tế tăng tốc nhanh chóng nhưng cũng có thể để lại núi nợ như các gói kích thích từng được áp dụng trong quá khứ.
Trước khi giới chức Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, các nhà phân tích nhận định tình hình Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu, dự đoán tăng trưởng giảm xuống còn 6,3% trong năm nay. 
Thậm chí, một số chuyên gia còn cảnh báo rằng, ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại trong các cuộc đàm phán hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc cũng khó phục hồi, trừ khi Bắc Kinh có thể thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng đang ở mức thấp.
Giới phân tích kinh tế cho rằng Trung Quốc đã cố gắng làm chậm lại sự giảm tốc của nền kinh tế gần đây bằng sự cân bằng giữa kiểm soát nợ vay trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc giảm sự phụ thuộc vào nợ có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn nhưng điều này được dự báo có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần