Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng tín dụng: Bổ sung lượng hay tăng chất?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% thì khả năng phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao cho năm sau rất khó.

Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội thảo "Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 - 2015".

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% thì khả năng phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao cho năm sau rất khó. Làm sao để vừa hỗ trợ vốn cho DN, vừa đảm bảo an toàn đồng vốn là bài toán khó với các ngân hàng và NHNN. 

 
Ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để cùng tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Giao dịch tại một chi nhánh của VietcomBank.     Ảnh: Lã Anh
Ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để cùng tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Giao dịch tại một chi nhánh của VietcomBank. Ảnh: Lã Anh

Vốn thừa mà hóa thiếu

Theo kết quả khảo sát 100 DN về mối quan hệ với ngân hàng do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) tiến hành từ cuối tháng 8/2013, có đến 50% DN vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn. Sau tài sản đảm bảo và chứng minh năng lực tài chính thì nợ xấu đang là rào cản lớn khiến DN không vay mới được. Từ kết quả này, TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, nợ xấu là trung tâm của mọi vấn đề. "Nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu thì đừng nói đến vấn đề phục hồi DN"- ông Kiêm nói.

Các chuyên gia đã đặt ra câu chuyện vốn thừa và thiếu của hệ thống ngân hàng hiện nay. Con số huy động vốn của các ngân hàng thương mại thời gian gần đây liên tục tăng dù lãi suất huy động giảm mạnh. Câu chuyện vốn của các ngân hàng chứa đầy mâu thuẫn khi vốn ngắn hạn thừa nhưng vốn dài hạn lại rất thiếu. Trong khi cho vay ra chủ yếu là dài hạn. Bởi vậy, bài toán cân đối kỳ hạn vốn đang là bài toán khó với nhiều ngân hàng. 

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

 
 
Ngân hàng cần cố gắng tìm kiếm các DN có khả năng phục hồi. Điều này đòi hỏi cán bộ ngân hàng, đặc biệt cán bộ tín dụng phải có đạo đức, trách nhiệm, kiến thức.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là không dễ. Tại cuộc họp giữa NHNN với 14 ngân hàng lớn mới đây, các ngân hàng thương mại cho rằng, họ đã tìm mọi cách để tăng tín dụng. NHNN cũng ban hành nhiều chính sách trong điều kiện có thể để "đẩy" vốn ra. Theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề quan trọng không phải là câu chuyện con số tín dụng mà là chất lượng tín dụng. Ông Ánh lo ngại: "Chúng ta đang tìm mọi cách xử lý nợ xấu nhưng sẽ ra sao nếu sau 3 tháng, 6 tháng nữa nợ xấu lại phình ra nếu hạ chuẩn tín dụng. Làm thế nào đừng lặp lại tình trạng ngân hàng cho vay thì đứng nhưng đi đòi nợ lại phải quỳ như hiện nay. Nếu không khéo sẽ còn có chuyện khi cho vay ngân hàng phải quỳ, đòi nợ cũng phải quỳ".

Ở một khía cạnh khác, TS Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng, nếu tín dụng không "cán đích" 12% thì khả năng phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao cho năm sau là rất khó. TS Cao Sỹ Kiêm đề xuất giải pháp với các DN có dự án khả thi, họ có thể thiếu một vài điều kiện, ngân hàng nên ngồi lại với DN tìm cách tháo gỡ khó khăn để bơm vốn cho họ. "Muốn gặp nhau thì phải sáp lại với nhau"- TS Kiêm nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN cho biết, công tác điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm sẽ tập trung mở rộng đi đôi với an toàn tín dụng. Định hướng 12% tăng trưởng tín dụng cả năm là định hướng trung gian, linh hoạt, không nhất thiết phải là con số cứng. Bà Hồng lấy ví dụ, đầu năm 2013, NHNN phân bổ mục tiêu tín dụng cho từng nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, sau 6 tháng, khi xem xét khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, NHNN đã nâng room cho nhiều ngân hàng. Tính đến hết tháng 10, tín dụng toàn hệ thống ở mức 7,89%. Đại diện NHNN cho rằng, tín dụng năm 2013 có thể đạt khoảng 10 - 11%.