Những kết quả khả quan
Kết quả rõ nhất trong 7 tháng qua là xuất khẩu. Quy mô kim ngạch xuất khẩu lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay (trên 115,2 tỷ USD), lớn hơn cả quy mô cả năm từ 2012 trở về trước. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực kinh tế trong nước trong nhiều thời kỳ qua tăng thấp, thậm chí có kỳ còn giảm, thì nay đã tăng 2 chữ số (14,6%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn tăng cao hơn (20,3%). Mới qua 7 tháng đã có 19 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng đầu năm giảm, nay đã tăng trở lại như: Điện thoại, gạo,… Tăng trưởng đạt kết quả kép (cả đơn giá và cả lượng). Mới qua một nửa thời gian đã có 15 tỉnh/TP, 26 thị trường đạt trên 1 tỷ USD…
Một kết quả tích cực khác là tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ (8,7% so với 8,4%) – mà tăng cầu thì ít gây ra hiệu ứng phụ (nợ xấu, nợ công,…). Một kết quả tích cực nữa là chỉ số tiêu dùng (CPI) sau 7 tháng tăng thấp xa so với cùng kỳ (0,31% so với 2,48%); bình quân 7 tháng đã xuống dưới mục tiêu (3,91% so với 4%). Giá vàng tháng 7 đã giảm (0,88%), Giá USD sau 7 tháng còn giảm (0,09%) và bình quân tăng thấp hơn cùng kỳ (1,45% so với 3,67%). Nhờ lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, nên dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới (trên 42 tỷ USD).
Ngoài các kết quả nổi bật trên, trong 7 tháng qua cũng ghi nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cả về vốn đăng ký, cả về vốn thực hiện. Tỷ lệ với dự toán cả năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi...
Và những thách thức
Bên cạnh những kết quả và tín hiệu khả quan, kinh tế 7 tháng cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Thách thức lớn thứ nhất là tăng trưởng. Tăng trưởng công nghiệp – ngành động lực và đầu tàu tăng trưởng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa – bị chậm lại so với cùng kỳ năm trước (7 tháng tăng 6,5% so với 7,2%). Ngành công nghiệp khai khoáng có tỷ trọng lớn thứ 2 trong toàn ngành vẫn giảm sâu. Trong khi chất lượng tăng trưởng công nghiệp còn thấp. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất thấp hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành này tạo ra, chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng. Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp cao hơn tỷ trọng GDP do ngành này tạo ra, chứng tỏ suất đầu tư tăng trưởng của ngành này cao. Mức năng suất lao động công nghiệp – xây dựng chỉ khoảng 5.111 USD, trong khi Nhật Bản gấp 39 lần, Singapore gấp 26 lần, Thái Lan, Philippines gấp 1,5 lần... Tỷ lệ đóng góp của công nghệ đối với toàn bộ kinh tế Việt Nam chỉ có 29% trong khi của các nước khác cao hơn (Indonesia 39%, Trung Quốc 39%, Ấn Độ 49%, Malaysia 64%, Thái Lan, Philippines 70%,…) Tính gia công chế biến còn lớn nên phụ thuộc nhập khẩu và thu thấp.
Hạn chế, thách thức lớn thứ hai là chuyển vị thế từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (1,72 tỷ USD) sang nhập siêu trong kỳ này (3,08 tỷ USD). Đáng lưu ý xuất siêu với các thị trường Âu, Mỹ,… đang có xu hướng tăng chậm lại, thậm chí giảm. Những thị trường trước nhập siêu lớn thường từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á có xu hướng cao lên. Hạn chế, thách thức lớn thứ ba là nợ công tăng, làm cho tỷ lệ chi trả lãi vai, trả nợ gốc so với tổng thu còn lớn (bằng 26,3% tổng chi và bằng 29,1% tổng thu). Nợ xấu còn lớn, kỳ vọng từ giữa tháng 8 có thể xử lý nhanh hơn.