Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tuổi hưu là tất yếu

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Trong Dự thảo Bộ Luật lao động sắp trình Quốc hội có đề cập vấn đề lương hưu, xu hướng là tăng tuổi nghỉ hưu: nữ từ 55 tuổi tăng lên 58 tuổi; nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi.

Ngoài ra, cả hai đối tượng còn tăng tuổi nghỉ hưu theo tháng từ đó về sau. Lương hưu nói chung tuy không đủ sống, nhưng là khoản thu nhập quan trọng của hàng triệu con người, nên  thông tin về tăng tuổi nghỉ hưu, dù mới chỉ thăm dò, lập tức gây xôn xao dư luận.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy. Đụng đến tăng tuổi hưu, dù chỉ tăng vài tháng, phải đưa ra Quốc hội và ngay Quốc hội năm bảy lần tranh cãi căng thẳng chưa chắc đã xong.
Thực ra, kéo dài tuổi lao động là điều cực chẳng đành, không nhà nước nào muốn thế. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo hệ lụy, chẳng hạn như Việt Nam hơn 1.000.000 người hàng năm đến tuổi lao động không có việc làm, nhiều người có tài năng, có sức khỏe không có điều kiện cống hiến vì bị những người lẽ ra đã phải về nghỉ hưu chiếm chỗ. Năng suất, chất lượng lao động kém đi vì trong số lao động có nhiều người già, sức khỏe và trí tuệ kém sút. Nhưng không kéo dài tuổi làm việc thì tiền đâu để trả lương hưu, chi phí y tế, phúc lợi xã hội… và hàng chục khoản khác trong khi những người già đó đã hoàn thành nghĩa vụ lao động, chỉ ăn, chơi và nghỉ ngơi, không làm ra chút của cải nào, chưa kể hàng chục triệu người già để duy trì nguồn sống còn phải trông nhờ con cháu.
 Ảnh minh họa
Nhiều người trong chúng ta tưởng lương hưu là từ ngân sách, do Nhà nước cấp. Thực ra không phải vậy, lương hưu là do chính tiền từ công sức lao động của ta để dành lại qua Quỹ Bảo hiểm xã hội, khi không còn làm việc được nữa thì được lấy ra ăn dần. Bình quân người Việt Nam có tiền gửi vào bảo hiểm xã hội trong 28 năm và sống sau khi nghỉ hưu khoảng 10 năm. Với đồng tiền trượt giá và cách chi trả có phần “thoáng” hiện nay, lương hưu chưa trở thành vấn đề căng thẳng. Nay số năm gửi tiền vào bảo hiểm xã hội vẫn như vậy, nhưng năm sống hưởng lương hưu lên 25 năm, chưa kể bảo hiểm y tế, phúc lợi công cộng cũng tăng lên. Cụ thể hơn, nếu như trong 50 năm qua, tuổi thọ bình quân của người dân trên thế giới tăng 20 tuổi (từ 48 lên 68) thì tuổi thọ của người Việt Nam do chiến tranh đã kết thúc, do đời sống được cải thiện… đã tăng từ 40 tuổi lên 73 tuổi, đạt được mức gia tăng gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Do đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
Theo một số chuyên gia về lao động nước ngoài, để đảm bảo tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, về lý thuyết, Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, bởi thực tế là tuổi thọ đang và sẽ được nâng lên đáng kể và tỷ lệ số người đóng bảo hiểm xã hội trên số người hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng mạnh do tỷ lệ suy giảm và tuổi thọ gia tăng. Nhưng Dự thảo hiện nay mới dừng lại nữ 58 và nam 62, như vậy mới là trên đường đạt tới những tính toán lý thuyết.
Khi nâng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam sẽ đối mặt với vấn đề giải quyết việc làm cho hơn 1.000.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm, nhưng ILO đánh giá đây chỉ là vấn đề cần ưu tiên trong ngắn hạn, quá trình già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam đặt ra thách thức nghiêm trọng mới là vấn đề cần giải quyết lâu dài.
Khi bàn về tăng tuổi nghỉ hưu, phần đông ý kiến là đồng tình nhưng phản đối chuyện cào bằng, không kết hợp với cải cách hành chính. Chúng ta đã phải trả giá đắt về chính sách sử dụng lao động trong quá khứ. Đó là đợt giảm biên chế theo Nghị định 176. Tranh thủ giảm biên chế, nhiều lao động có kỹ thuật, có sức khỏe đồng loạt xin hưởng đền bù một lần ra làm ngoài, những người ở lại phần nhiều là những người sức khỏe, kỹ thuật, năng suất lao động kém. Rồi sau đó lạm phát, đồng tiền mất giá, cả người ra làm ngoài và người ở lại đều khổ, Nhà nước cũng chẳng được gì. Tăng tuổi nghỉ hưu nên tính đến ngành nghề, giới tính. Không thể chị em phụ nữ trong ngành dệt may lại cùng tuổi nghỉ hưu với chị em trong các ngành nghiên cứu khoa học, dạy học, y tế; không thể phụ nữ ngang bằng với nam giới trong các ngành giao thông, thủy sản, bộ đội, công an và các nghề nặng nhọc khác. Không thể một lao động phổ thông lại cùng tuổi nghỉ hưu với những trí thức có học hàm, học vị ở nơi cần thiết họ. Không thể những người bất tài, năng lực lao động kém, sức khỏe không đủ đảm đương nhiệm vụ lại cùng tăng tuổi hưu như với một số người có tài năng, có sức khỏe. Và có những trường hợp người lao động mong đến tuổi nghỉ hưu để mang tài năng, sức khỏe ra kiếm nhiều tiền, đáp ứng nhu cầu đời sống cá nhân. Nhưng động đến những trường hợp này rất phức tạp, không dễ giải quyết bằng cảm tính và thường mắc sai lầm. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu là một tất yếu nhưng phải kết hợp đồng bộ với cải cách hành chính, giáo dục tư tưởng, xây dựng nếp văn hóa.