Trong đó, quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu (ĐB) và dư luận.
Cân nhắc kỹ lưỡng
Đồng tình việc tăng tuổi hưu là một xu thế tất yếu nhưng trong các phiên thảo luận vừa qua, các ĐB Quốc hội đều cho rằng, điều quan trọng nhất đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là phải thực sự thuyết phục về lý lẽ, lộ trình để tạo niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), việc tăng tuổi hưu không phải lần đầu tiên được đề xuất, tuy nhiên với đề xuất lần này, nhiều ý kiến hy vọng Dự thảo Bộ Lật Lao động (sửa đổi) sẽ đưa ra một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý.
Theo đó, phương án 1 được Chính phủ báo cáo Quốc hội thì kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Như vậy, sau 9 năm đối với nam, 16 năm đối với nữ mới đến điểm cuối cùng của tuổi nghỉ hưu. Lộ trình này nhằm giải quyết tuyển dụng đối tượng lao động đã qua đào tạo. Đây cũng là thời gian để nâng cao trách nhiệm, định hướng đào tạo hướng nghiệp cho lực lượng trẻ trong thời gian sắp tới.
Nhìn nhận ở góc độ thực tế, nhiều ĐB đã chỉ ra những điểm cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trong đề xuất của Chính phủ. Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi ở nước ta thì người trong độ tuổi lao động lại đang dư thừa. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhất là lao động phổ thông, cán bộ, công chức, viên chức bình thường; không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ.
ĐB đề xuất chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ đến 58 tuổi và với nam là 62 tuổi, bởi đây là nguyện vọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường. Bên cạnh đó, Luật nên quy định tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được quyền cho nghỉ hưu với các vị trí “làm việc năng suất không cao” để ưu tiên vị trí việc làm đó cho lao động trẻ có năng lực hơn. Quy định như vậy cũng sẽ có tác dụng kích thích người cao tuổi làm việc có năng suất.
Nên xin ý kiến Nhân dân
Các ĐB cũng đặt vấn đề, chúng ta đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Theo thống kê, cả nước mỗi năm vẫn có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp. Hơn nữa, đặc thù lao động nước ta hiện nay vẫn phần lớn là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp với việc tiếp tục làm việc khi tuổi đã cao.
Thực tế bản thân người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề: Tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật liệu có là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước hay không? Vì mức lương của những người lao động đến tuổi nghỉ hưu theo luật hiện nay là rất cao trong hệ thống thang bảng lương của Nhà nước.
“Nên xin ý kiến Nhân dân và đánh giá tác động thêm 5 vấn đề: Lực lượng, cơ cấu lao động; chế độ hưu trí; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; thể lực và trí lực; ý chí, nguyện vọng của người lao động làm căn cứ cho việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu” – ĐB đề nghị.
“Tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là việc dễ dàng”, như Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nhận định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo cơ sở, niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi Bộ luật được ban hành. Do đó, việc lấy ý kiến, đánh giá tác động trên nhiều mặt liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục được thực hiện để có một lộ trình hợp lý nhất.