Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó già hóa dân số

Hồng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/12, tại buổi giao lưu trực tuyến “Lương, bảo hiểm xã hội được điều chỉnh ra sao”, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nhận định: Thay đổi tuổi nghỉ hưu là một trong những chính sách đối phó với quá trình già hóa dân số.

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Huân cho rằng, quá trình già hóa dân số đang diễn ra ở nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thay đổi tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam được đặt ra và nghiên cứu từ năm 2007 và đã 2 lần trình Quốc hội. Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động này, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) sẽ tiếp tục được nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét. Theo ông Huân, với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, cần nghiên cứu tính toán để bảo đảm vượt qua thách thức già hóa dân số nhưng lại phù hợp với điều kiện sức khỏe và thể chất của người Việt.
 Ảnh minh họa
Vì thế, với những đối tượng làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại sẽ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay. Các khu vực hành chính sự nghiệp có thể sẽ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu trước. Khu vực DN có nhiều lao động trực tiếp có thể sẽ thực hiện sau một số năm. “Nếu được Quốc hội quyết định thì cũng cần vài năm để chuẩn bị về tâm lý xã hội. Việc thực hiện sẽ theo lộ trình tăng dần, mỗi năm tăng thêm 3 - 4 tháng, để đỡ tác động đến thị trường lao động cũng như lao động trẻ tuổi”.
Phản hồi bạn đọc câu hỏi kéo dài tuổi làm việc, tăng phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng lương hưu hiện nay không đủ sống, ông Huân cho biết: Cải cách chính sách BHXH đặt ra nhiều mục tiêu như tăng độ bao phủ, đối tượng tham gia. Hiện nay, Việt Nam mới có gần 25% đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia đóng BHXH. Vì thế, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Để tăng số người tham gia BHXH, cùng với việc sẽ tăng thêm số DN để chuyển lao động từ các nơi khác vào khu vực có quan hệ lao động, chúng ta thực hiện BHXH tự nguyện cho các khu vực không có hợp đồng lao động.
Mục tiêu tiếp theo là xây dựng các chính sách bảo đảm cân đối quỹ BHXH theo hướng bền vững, đặc biệt là quỹ hưu trí. Có một loạt chính sách cần tính toán là tỷ lệ tham gia BHXH. Hiện nay, tỷ lệ tham gia BHXH của NLĐ và chủ sử dụng lao động là 32,5%. Trong đó, tỷ lệ đóng BHXH hưu trí là 22% là khá cao nên không thể tăng thêm được nữa. Mức lương tham gia BHXH cũng là vấn đề cần phải cân đối. Chúng ta đang tiến dần đến quy định đóng BHXH trên tổng thu nhập. Tất nhiên, khi tăng mức lương đóng BHXH thì cũng phải xem xét khả năng của DN và NLĐ. Và, khi tăng tuổi nghỉ hưu, việc điều chỉnh các mức hưởng cho hợp lý cũng phải được đặt ra và tính toán hợp lý.