Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác thi đua khen thưởng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/12, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017”.

Hội nghị do Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch nước-Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng T.Ư Đặng Thị Ngọc Thịnh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Về phía Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới dự.
 Toàn cảnh hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà, năm 2016, công tác thi đua, khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực, với sự ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại các bộ, ban, ngành, địa phương; hội đồng thi đua khen thưởng các cấp được kiện toàn và đổi mới hoạt động.

Đặc biệt, các phong trào thi đua phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua đặc biệt, cao điểm được phát động để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “DN Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực bằng nhiều việc làm thiết thực, nhiều địa phương chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ phù hợp điều kiện cụ thể để đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, tăng thu nhập, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Đến nay, cả nước đã có 27 huyện và 23% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác khen thưởng cũng được nâng lên đáng kể, trong đó tỷ lệ khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác đã tăng lên. Trong năm, tổng cộng có 110.189 tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch nước khen thưởng, trong đó khen thưởng đột xuất chuyên đề chiếm 2,85%. Đồng thời, việc phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cũng được tập trung thực hiện, tổ chức đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc với tổng cộng 9.623 trường hợp đã được phong tặng và truy tặng. 
Riêng tại TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, những năm qua, Thành ủy-UBND TP đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hoạt động này được xác định là một trọng tâm, khâu đột phá trong các nhóm giải pháp về đổi mới thi đua, khen thưởng. Những điều này đã góp phần giúp cho công tác này của Thủ đô có nhiều đổi mới, đạt kết quả khả quan. 

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận.
“Thực tế, để công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân điển hình tiên tiến phát huy hiệu quả, thời gian qua TP Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện 3 nhóm giải pháp cơ bản, đó là: Thứ nhất, nâng cao chất lượng phong trào thi đua do TP phát động kết hợp với khuyến khích các ngành, các cấp tổ chức các phong trào riêng, đặc thù, các mô hình mới. Thứ hai, tập trung xây dựng mới, sửa đổi bổ sung quy chế, quy định về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp với đặc thù của Thủ đô, tổ chức Cuộc thi Viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Thứ ba là chú trọng tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, tổ chức các cuộc thi, trao giải một cách trang trọng, thiết thực”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Đánh giá cao, biểu dương những kết quả đã đạt trong công tác thi đua khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong năm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong phần phát biểu chỉ đạo tại hội nghị cũng lưu ý công tác thi đua khen thưởng trên cả nước cần sớm khắc phục một số hạn chế đã được chỉ ra như: Một số nơi, công tác thi đua khen thưởng chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức; phong trào thi đua chưa thường xuyên, có nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng có chất lượng chưa đồng đều; công tác thẩm định đề nghị thành tích khen thưởng chưa đảm bảo chặt chẽ. Nhất là, khen thưởng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý còn chiếm tỷ lệ cao...

“2017 là năm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Vì vậy, công tác thi đua khen thưởng trong năm tới cần chú trọng quán triệt tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp, ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện công tác này”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu: Các bộ, ngành địa phương cần tập trung đánh giá hình thức thực hiện luật thi đua khen thưởng, làm rõ những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi bổ sung, tập trung xây dựng các quy định khen thưởng cho phù hợp công cuộc đổi mới của đất nước; tạo động lực thi đua khen thưởng trực tiếp ở các cấp và cấp cơ sở. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các tiêu chuẩn khen thưởng, trong đó chú trọng tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trực tiếp có thành tích được khen thưởng xứng đáng, đặc biệt ở các vùng đặc thù.