Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội để thu hút vốn đầu tư

Thủy Tiên - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với TP Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản dự hội nghị.

Luật Đầu tư công còn nhiều vướng mắc

Mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2017 phải giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trung hạn. Thực tế, việc giải ngân đầu tư công còn chậm do vướng mắc về pháp luật. “Hiện nay, 12 dự án luật, hơn 100 Nghị định và rất nhiều thông tư hướng dẫn về vấn đề này còn thiếu đồng bộ và có nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Chính phủ đang cố gắng để sửa đổi Luật Đầu tư công, khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí” – Phó Thủ tướng nêu.

Nhấn mạnh đây là khóa đầu Chính phủ thực hiện đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Hà Nội là địa phương có cơ cấu vốn rất đặc thù. Vì thế chúng tôi rất muốn nghe giải pháp của Hà Nội để khắc phục giải ngân chậm, đặc biệt là các kiến nghị đề xuất để xem xét đưa vào dự án luật mới”.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu

Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội được HĐND TP thông qua là 104.723,46 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư được sắp xếp thứ tự ưu tiên theo hàng dọc, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu pháp lệnh của TP; Bố trí vốn tập trung, đáp ứng nhu cầu vốn triển khai theo tiến độ, thời gian thực hiện thi công xây dựng ngắn nhất có thể; Tiết giảm kinh phí dự phòng của từng dự án do thời gian thực hiện được rút ngắn.

Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mức vốn bố trí cho 1 dự án ở Thủ đô là 177,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông, Giáo dục, Y tế, Thủy lợi …Theo kế hoạch đến hết năm 2020 sẽ có tổng cộng 391/397 dự án XDCB tập trung cấp TP hoàn thành đưa vào sử dụng. Các bộ ngành đều đánh giá Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương bố trí vốn tập trung, không dàn trải, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tính đến trước năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP Hà Nội đã triển khai thực hiện được 2 năm: 2016 đạt 114,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; 2017 đạt 96,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao… Quý I năm 2018, toàn TP giải ngân đạt 9,9% tổng mức vốn KH giao. Đến ngày 15/4, giải ngân đạt 11,03% kế hoạch giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư những tháng đầu năm 2018 chưa đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án chuyển tiếp; việc triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư XDCB còn chậm.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.

Hà Nội kiến nghị sửa Luật Đầu tư công

Để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư công, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 17 và các Điều khoản liên quan của Luật Đầu tư công để bổ sung quy định về quy trình, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đầu tư công chưa thống nhất với các Luật chuyên ngành khác dẫn đến khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công các điều khoản áp dụng đặc thù liên quan đến vấn đề “đánh giá sơ bộ về môi trường” và “phương án tổng thể về đền bù giải phóng mặt bằng” thay thế cho các điều khoản có liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.

Hà Nội cũng phản ánh việc quy định bố trí vốn cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP (về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm) sẽ làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án…

Đặc biệt, Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với các nhóm dự án đặc thù sử dụng nguồn vốn Quỹ Phát triển đất thực hiện để ứng vốn đầu tư thực hiện các dự án. Trường hợp phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng đơn giản các trình tự, thủ tục.

Khẳng định Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lý giải, về vướng mắc GPMB Hà Nội đã phân cấp cho chủ tịch UBND các quận huyện. Với các dự án trọng điểm, Hà Nội đã và sẽ ứng tiến GPMB trước, đấu thầu xong có ngay mặt bằng để thi công. Hà Nội cũng đã nâng “trần” đền bù cho người dân để thúc đẩy tiến độ GPMB. Khi hình thành các dự án cần nhà tái định cư, thành phố cũng đã bố trí đủ nhà tái định cư…

Về việc điều chỉnh đầu tư công trung hạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cơ chế để Hà Nội đầu tư các 3 tuyến metro từ nguồn tiền của TP cũng như điều chỉnh tăng “trần” nợ công của Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến vốn ODA…

Hà Nội có thể điều chỉnh các dự án ODA theo thẩm quyền

Với việc Hà Nội chiếm 10% đầu tư công của toàn quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nếu bức tranh đầu tư công của Hà Nội nếu tốt thì cả nước cũng sẽ tốt. Đánh giá cao thời gian qua Hà Nội rất quan tâm đến việc đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Hà Nội đã có cách làm hay, mô hình tốt trong việc GPMB, như ứng trước vốn GPMB, giao cho quận huyện trách nhiệm trong công tác GPMB…, là nhân tố quyết định đảm bảo tốc độ đầu tư công”.

Dù đã cố gắng nỗ lực nhưng tốc độ giải ngân của TP mới đạt mức độ trung bình của cả nước. “Thách thức trước mắt là không nhỏ nên cần tập trung đây là nhiệm vụ cấp bách trong năm nay” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ. Khẳng định các dự án đầu tư công càng sớm đưa vào hoạt động càng hiệu quả cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Một đồng mà được giải ngân sớm thì bày toán vay vốn của nhà nước càng hiệu quả, tạo ra tăng trưởng, cân đối kinh tế vĩ mô. Đây vẫn là điểm yếu và Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra các tỉnh để thúc đẩy giải ngân”

Nhắc nhở lý do chậm giải ngân đầu tư công hiện nay có tình trạng sợ làm sai, Phó Thủ tướng nêu rõ phải làm đúng nhưng cần nhanh, ai không quyết đoán thì cần “thay thế”. Từ đó, cần chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ, quyết liệt với công việc; tăng cường kỷ luật, tranh tra, kiểm tra … “Sai có thể sửa nhưng sợ nhất mấy cán bộ “ôm” hồ sơ”, Phó Thủ tướng nói.

Tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân, tán thành các giải pháp của Hà Nội, Phó Thủ tướng nêu vấn đề Hà Nội có thể điều chỉnh các dự án ODA theo thẩm quyền; đánh giá, sơ kết việc đầu tư công trung hạn…Với các kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ ngành liên quan khẩn trương tiếp thu, ghi nhận, sớm báo cáo Chính phủ xem xét.