Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ hội cho phát triển làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm - Hội chợ mỗi làng một sản phẩm (OVOP) Việt Nam 2014 được tổ chức từ ngày 27 - 30/10 sẽ hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất. Đó là khẳng định của bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Tạo cơ hội cho phát triển làng nghề - Ảnh 1

Thưa bà, OVOP Việt Nam 2014 có những nét gì mới hơn so với 2 lần trước đây cũng do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức?

- So với những lần tổ chức trước đây, OVOP năm nay có nhiều điểm mới, trong đó chủ yếu trưng bày, bán, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của các DN sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, các làng nghề, nghệ nhân của cả nước, đặc biệt chú trọng đến sản phẩm OVOP của các làng nghề Hà Nội. Vừa qua, Sở Công Thương đã ký hợp tác với Sở VHTT&DL Hà Nội phát triển du lịch lịch làng nghề. Vì vậy, tại OVOP Việt Nam 2014, các nghệ nhân làng nghề còn trưng bày, giới thiệu nhiều nhóm mặt hàng có tiềm năng phát triển thông qua việc phát triển du lịch; những sản phẩm đã được xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu cao cần thiết phải nhân cấy tại các làng nghề. Có thể nói, việc tổ chức khu trưng bày này không chỉ có tác dụng xây dựng hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm OVOP Hà Nội mà còn tạo cơ hội cho những đơn vị tham gia OVOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng tới các DN quốc tế. 

Với mục đích tôn vinh sản phẩm mây tre lá truyền thống của cả nước nói chung, của Hà Nội nói riêng, Ban Tổ chức cũng dành riêng khu trưng bày một số dòng mây tre lá đặc trưng tiêu biểu của một số tỉnh trên cả nước. Hoạt động này nhằm nhấn mạnh việc phát triển các giá trị nổi bật và đặc biệt của nghề mây tre lá Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, hướng đến một cái nhìn về tiêu chuẩn của sản phẩm OVOP.

 
Chương trình OVOP thúc đẩy làng nghề phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng thủ công tại làng nghề Bát Tràng.     Ảnh:  HOÀI NAM
Chương trình OVOP thúc đẩy làng nghề phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng thủ công tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Hoài Nam.
Trong thời gian qua, ngành công thương TP đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh bạn và những nước tham gia OVOP. Vậy, tại OVOP Việt Nam 2014, việc liên kết đó được thể hiện như thế nào, thưa bà?

- Trong thời gian qua, chương trình OVOP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn cũng như các nước tham gia và đã thu được những kết quả nhất định. Chính vì vậy mà tại Triển lãm - Hội chợ còn có khu dành riêng cho các tỉnh  Tây Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên... với các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của từng địa phương. Chẳng hạn như sản phẩm trà Tân Cương, Tủa Chùa, Tà Xùa…; rượu ngô, rượu táo mèo, mật ong bạc hà của Hà Giang… Đặc biệt tại đây còn trưng bày sản phẩm OVOP như: Quà tặng, trang trí nội thất, nông sản, thực phẩm chế biến sẵn, mỹ phẩm… của một số nước và vùng lãnh thổ đã phát triển thành công việc xây dựng thương hiệu OVOP như: Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Camphuchia, Malaysia, Philippines…

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã nhận được đăng ký của gần 600 DN nhập khẩu quốc tế đến tham quan và giao dịch, trong đó có nhiều nhà nhập khẩu lớn có doanh thu trên 100 triệu USD/năm đến từ thị trường Anh, Brazil, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…

OVOP Việt Nam 2014 đã thu hút được gần 600 DN quốc tế. Thưa bà, Sở Công Thương Hà Nội đã làm cách nào để thu hút được một lượng lớn DN quốc tế như vậy đến tham quan, giao dịch?

- Để có thể thu hút được số lượng DN quốc tế trên, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế, đại sứ quán, thương vụ trong nước và quốc tế tại Hà Nội cũng như các thị trường xuất khẩu truyền thống. Trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở đặc biệt chú trọng việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước như: Sàn thương mại điện tử B2B, Tạp chí về Hàng quà tặng của Nhật Bản và Australia, website của Hiệp hội quà tặng Australia... Ngoài ra, Sở Công Thương đã gửi thư mời và tài liệu giới thiệu OVOP Việt Nam 2014 tới hàng ngàn DN nước ngoài. 

Bên cạnh đó, ngành công thương Hà Nội còn chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất về ăn ở, đi lại cũng như hỗ trợ tối đa cho các hoạt động tham quan, khảo sát, giao thương của những DN này trong thời gian làm việc tại Hà Nội.

Để có được những sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng, thời gian tới, ngành công thương Hà Nội sẽ có những hoạt động hỗ trợ như thế nào, thưa bà?

- Nhằm hỗ trợ DN sản xuất và làng nghề tham gia chương trình OVOP, ngành công thương Hà Nội sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình huấn luyện OVOP phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng làng nghề, DN, từ đó nâng cấp sản phẩm cổ truyền hoặc chế tạo các mẫu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Xin cảm ơn bà!