Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá chất lượng nhãn chín muộn tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc |
Sản phẩm xuất khẩu còn khiêm tốn
Nhãn chín muộn Hà Nội là sản phẩm đã chinh phục thành công các thị trường khó tính là Malaysia và Mỹ liên tiếp qua các năm năm từ 2016 – 2019. Năm 2019, 10.000 bông cúc giống Nhật Bản sản xuất theo công nghệ cao của Công ty CP Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Năm 2020, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 20.000 bông cúc sang thị trường này.
Ngoài nhãn chín muộn và hoa cúc, mặt hàng gạo hữu cơ với giống lúa Japonica của Hà Nội cũng đang hoàn thiện các thủ tục để có thể xuất khẩu trong thời gian sớm nhất. Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất khẩu Greenpath Việt Nam Phùng Thị Thu Hương cho biết: “Cuối năm 2019, công ty đã làm các thủ tục về cấp mã vùng trồng, kiểm dịch thực vật đối với vùng trồng lúa hữu cơ Japonica tại huyện Chương Mỹ.
Dự kiến, trong năm 2020 gạo hữu cơ sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và Australia”. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có hơn 600ha nhãn chín muộn có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường như Mỹ, Australia. Ngoài ra, TP còn có 7.000ha trồng lúa Japonica, 3.000ha trồng chuối, 700ha trồng hoa (riêng hoa cúc giống Nhật Bản có hơn 100ha)... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, mặc dù có nhiều lợi thế song đến nay, sản phẩm xuất khẩu của Hà Nội còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính do sự tham gia của DN vào các chuỗi sản xuất nông sản chủ lực của Hà Nội còn mỏng, trong khi người nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức sản xuất hữu cơ, GlobalGAP đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mặt khác, chính quyền các địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt để xây dựng vùng sản xuất và thương hiệu cho sản phẩm.
Tạo ưu thế cho nông sản chủ lực
Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản Thủ đô. Nắm bắt cơ hội này, Hà Nội đã xây dựng nhóm nông sản chủ lực để hướng tới xuất khẩu. Theo đó, TP sẽ tập trung vào 5 mặt hàng, gồm: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ với giống lúa Japonica, hoa cúc giống Nhật Bản, chuối nuôi cấy mô và trứng gia cầm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cả 5 mặt hàng chủ lực đang được TP xây dựng phục vụ xuất khẩu đều sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP. Cụ thể, nhãn chín muộn phát triển tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai; gạo xuất khẩu phát triển tại Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai; chuối nuôi cấy mô tập trung tại các vùng bãi của một số huyện có thế mạnh; hoa cúc giống Nhật Bản nuôi cấy mô tại Mê Linh; trứng gia cầm tập trung tại Thanh Oai, Chương Mỹ. “Để việc xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu đạt hiệu quả cao, TP đã và đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với phát triển thương hiệu. Cùng với đó, kêu gọi DN tham gia các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản chủ lực” – ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe, Sở NN&PTNT Hà Nội giao Trung tâm Phát triển nông nghiệp tiến hành cải tạo, ghép giống, liên kết với Bộ NN&PTNT để mở rộng mã vùng đối với nhãn chín muộn. Đối với các mặt hàng trứng gia cầm và hoa cúc, Sở đang phối hợp với Sở KH&CN tiến hành chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm. Đồng thời, có chính sách thu hút DN đầu tư xây dựng khu chế biến tại chỗ để sơ chế, bảo quản.
Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi thì nông nghiệp Thủ đô phải có sự chuyển hướng phù hợp để chủ động đón bắt cơ hội. Nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước - DN - nông dân - nhà khoa học, trong đó DN và nông dân là trung tâm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |