Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo APEC “Về tăng cường môi trường chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của DNNVV vào các thị trường năng lượng hiệu quả” do Bộ Công thương Việt Nam và Ban Thư ký quốc tế APEC phối hợp tổ chức (13 – 14/10).
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo lần này, các chuyên gia hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung, thảo luận những vấn đề xung quanh thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và giao dịch những sản phẩm năng lượng hiệu quả. Đồng thời nêu ra những vấn đề trong việc tạo môi trường chính sách thuận lợi cho DNNVV tham gia vào thị trường năng lượng hiệu quả…
Phát biểu tại chương trình, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái thuộc Bộ Công thương Việt Nam nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ trên thế giới nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, nhu cầu sử dụng năng lượng đang ngày càng gia tăng để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. Tuy nhiên, sự hạn chế và cạn kiệt các nguồn năng lượng, việc nghiên cứu, sản xuất, đẩy mạnh giao thương… là những yếu tố quan trọng và hữu ích để thiết lập, phát triển các thị trường sản phẩm năng lượng hiệu quả.
Về phương diện kinh tế, có thể thấy những DNNVV luôn gặp nhiều thách thức về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và mạng lưới kinh doanh so với các DN lớn. Do vậy, để giúp các DNNVV tham gia vào thị trường năng lượng hiệu quả cần có những biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách quản lý, khuyến khích, ưu đãi trong nhiều lĩnh vực tài chính, công nghệ, xuất, nhập khẩu…
Đại diện các nước thành viên APEC phát biểu. |
Cũng trong chương trình, các chuyên gia đã đưa ra và cùng thảo luận những vấn đề như tổng quan thị trường sản phẩm năng lượng hiệu quả; những thuận lợi, thách thức đối với DNNVV trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm tiết kiệm năng lượng; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận thị trường sản phẩm tiết kiệm năng lượng…
Theo ông Nguyễn Đăng Anh Thi chuyên viên Việt Nam nhận định, một trong những thách thức của DNNVV tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn tài chính, bởi nguồn vốn quá khan hiếm, trong khi đí thì ngành ngân hàng chưa phát triển. Bên cạnh đó, những DNNVV tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn với những khoản chi phí hành chính và giao dịch khá cao. Quan trọng là những chính sách hỗ trợ từ chính phủ thì còn quá nhỏ so với nhu cầu của các DNNVV…
Để giúp các DNNVV sớm vượt qua những thách thức trên, ông Nguyễn Đăng Anh Thi cho rằng, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ và hình thức pháp lý phù hợp; xây dựng chương trình ESCO theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguồn nhân lực. Đồng thời, có những chương trình nâng cao năng lực cho các DNNVV.
Đồng quan điểm với đại diện Việt Nam, ông Charuek Hengrasmee chuyên gia Thái Lan cho biết: Nếu so về tiềm lực của DN lớn, những DNNVV hiện nay có thiếu năng lực trong việc phát triển sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bởi, họ thiếu kiến thức trong việc sáng tạo và giữ cũng như phát triển các sản phẩm. Chính điều đó, khiến những sản phẩm của các DNNVV không đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Đối với vấn đề khung chính sách tạo thuận lợi cho các DNNVV, ông Trần Huy Hoàn, chuyên gia thuộc Bộ Công thương Việt Nam cho biết: Chính phủ Việt Nam đang xây dựng những chính sách tạo môi trường cho các DNNVV có cơ hội tiếp cận việc sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Trong đó, chú trọng việc thành lập những trung tâm điều tiết dưới sự quản lý của Bộ Công thương. Qua đó, có sự phối hợp từ T.Ư tới địa phương để thiết lập những thể chế phù hợp và thuận lợi nhất cho DNNVV phát triển.