Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện để các tỉnh đưa hàng về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ tạo mọi điều kiện cho các DN đưa hàng Việt về Hà Nội tiêu thụ, qua đó hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại Hội nghị chắp nối cung - cầu khu vực phía Bắc năm 2015 (ngày 1/10).

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo ý kiến của nhiều DN, thông qua việc kết nối cung – cầu, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, qua đó trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường... Đồng thời, các DN bán lẻ chủ lực của Hà Nội như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị AEON, Big C, Công ty CP Nhất Nam… cũng đã đưa ra những yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm để đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham quan gian hàng                           tại Tuần hàng Việt.  	Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham quan gian hàng tại Tuần hàng Việt. Ảnh: Hoài Nam
Ông Phạm Hùng Vũ - Giám đốc DN sản xuất, xuất nhập khẩu đồ thủ công Mỹ nghệ và Thương mại Thu Nguyệt chia sẻ, hiện hầu hết các mặt hàng của công ty mới chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, chưa có chỗ đứng trên thị trường nội địa. Hội nghị là cơ hội để công ty tìm kiếm bạn hàng, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm ở thị trường trong nước. Ông Ishikawa Tadahiko - Trưởng đại diện Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) tại Việt Nam thông tin, 90% nguồn hàng cung cấp cho siêu thị Aeon tới đây được mua từ các nhà sản xuất Việt Nam.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Sơn La bày tỏ, hiện nay, do điều kiện địa lý cách Hà Nội khá xa nên việc đưa nhiều sản phẩm của Sơn La như mật ong, phấn hoa, thịt bò khô… đến được với người tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Qua hội nghị lần này, Sơn La mong muốn tiếp cận được với các nhà phân phối để có điều kiện phát triển thị trường cho hàng hóa của mình. Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, thời gian qua ngành công thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh bạn cả 3 miền Bắc – Trung - Nam. Thông qua đó, sản phẩm Thanh Long (Bình Thuận), rau an toàn (Sơn La) dưa hấu (Quảng Nam), hành tím (Sóc Trăng), vải thiều (Hải Dương)… đã được tiêu thụ mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội.

 
Ngay tại hội nghị, có trên 40 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm với DN sản xuất.
Nâng chất lượng hàng hóa

Ký kết nhiều hợp đồng nhưng sau đó không thực hiện, đó là thực tế tại một số chương trình kết nối cung – cầu các địa phương. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết: Nhiều hàng hóa sau khi đã ký kết hợp đồng nhưng không đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị, thậm chí không đủ nguồn hàng, do vậy thỏa thuận đã không thực hiện được. Ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Công ty Phúc Lâm cũng bày tỏ về những khó khăn khi tham gia chương trình kết nối cung - cầu: “Việc ký kết mới chỉ là một bước đệm, bởi sau ký kết còn phải thực hiện hàng loạt yêu cầu như hàng hóa có đáp ứng tiêu chuẩn của nhà phân phối hay không, rồi chi phí bán hàng ra sao hay chiết khấu như thế nào vẫn còn là cả một chặng đường dài”. Chia sẻ về thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, trong thời gian tới Hà Nội sẽ chủ động tổ chức một số sự kiện nhằm cung cấp thông tin, kết nối giữa hai lực lượng cung - cầu và từ đó thúc đẩy sản xuất, thương mại trên địa bàn. Hà Nội cam kết hỗ trợ các DN bán lẻ, nhà sản xuất trong hoạt động giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho ô tô vận tải đi lại trong khung giờ hợp lý… để bảo đảm nguồn cung, duy trì mức tiêu thụ hàng hóa ổn định cho người tiêu dùng.