Trong 3 năm qua, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo các cấp Hội tập trung giám sát trong việc thực hiện chính sách đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Theo đó, các thành viên tổ rà soát đã thực hiện rà soát bằng phiếu 72.980 trường hợp. Qua giám sát, các cấp hội đã phát hiện có 164 trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được công nhận là người có công. Trong đó, có 3 liệt sĩ, 30 trường hợp yêu cầu truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 257 trường hợp thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng chế độ theo quy định.
Cùng với đó, Hội phụ nữ Hà Nội chủ động tham gia giám sát trực tiếp tại huyện Hoài Đức, Phú Xuyên và Thanh Oai. Qua giám sát, phát hiện hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ 2 có 10 xã chưa đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia ứng cử theo quy định. Cũng qua việc tham gia giám sát của các cấp hội, kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp có tỷ lệ trúng cử tương đối cao: HĐND TP 25/178 đạt 23,8%; HĐND cấp quận/huyện 356/1.183 đạt trung bình 30%; HĐND cấp phường/xã 4.510/15.816 đạt trung bình 28,5%, đặc biệt có đơn vị đạt tỷ lệ đại biểu nữ trên 40%.
Với công tác phản biện xã hội, Hội LHPN Hà Nội tổ chức 22 buổi đóng góp ý kiến và tham gia đóng góp vào 45 văn bản dự thảo Luật, chương trình, đề án của địa phương. Chú trọng tham gia đóng góp ý kiến, chủ động nghiên cứu phản biện các dự thảo Nghị quyết của HĐND, UBND…
Bên cạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được hội quan tâm, đầu tư, phát triển, còn có 1 số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò giám sát, phản biện xã hội. Cán bộ còn thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Chính quyền chưa quan tâm tạo điều kiện cho hội phụ nữ tham gia hoạt động. Kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Hội LHPN Hà Nội đề nghị tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Quyết định 217, 218. Chỉ đạo, đôn đốc cấp ủy các cấp triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 ở địa phương, tuyên truyền sâu rộng. Quan tâm tạo điều kiện để các cấp hội tham gia giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện và ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ động nghiên cứu, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn. Quan tâm, phân bổ nguồn kinh phí về hoạt động giám sát, phản biện xã hội.