Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh với báo chí bên hành lang Quốc hội về một số điểm đáng chú ý của dự thảo luật này.
Xin ông cho biết, những điểm mới trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này?
- Trước đây, phương pháp quy định danh mục đầu tư trong luật theo hướng chọn cho, tức là ghi những danh mục được phép đầu tư vào luật, nếu thiếu người ta xin thì lại cho. Tuy nhiên, điểm mới trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là đổi mới phương pháp quy định danh mục đầu tư theo hướng chọn bỏ, tức là những gì cấm thì ghi vào trong luật, còn đã không ghi trong luật tức là được tự do kinh doanh. Nghĩa là nó rất minh bạch, đọc lên mọi người đều hiểu. Đó là điều rất đặc biệt của luật đầu tư sửa đổi lần này.
Để làm được điều này vô cùng khó vì chọn bỏ là quy định cứng trong luật pháp rằng những điều này không được làm, những điều này làm phải có điều kiện. Như vậy, nếu sót phải chỉnh sửa lần sau. Riêng điều này Ban soạn thảo mất rất nhiều công sức để cùng 16 bộ, ban, ngành rà soát lại, rồi cùng với Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến.
Trong dự thảo luật sửa đổi lần này có những chính sách ưu đãi gì để thu hút cộng đồng DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?
- Trong Luật Đầu tư sửa đổi cũng quy định rõ các dự án đầu tư nước ngoài, ví dụ danh mục cấm, danh mục đầu tư có điều kiện là rất minh bạch để DN nước ngoài nhìn vào đó xem cái gì được đầu tư, cái gì không. Điều thứ hai là đối với DN FDI, Luật cũng ghi rất rõ bảo hộ đầu tư, tức là Việt Nam cam kết thực hiện bảo hộ đầu tư đối với DN theo hướng, trừ những lĩnh vực quốc phòng an ninh ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sức khỏe con người sẽ được quy định chi tiết, còn lại những dự án đầu tư đều được bảo hộ đầu tư.
Nếu như có sự thay đổi về chính sách bất lợi hơn cho DN thì DN được hưởng ưu đãi đầu tư mà trước đây đã cấp cho DN. Còn nếu như chính sách thay đổi sau có lợi hơn cho DN thì cho phép DN được áp dụng theo chính sách đó. Tóm lại là lúc nào cũng tạo thuận lợi cho DN, còn Nhà nước chịu rủi ro. Cái này rất tốt và tạo yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!