Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo động lực cho Thủ đô phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Một năm thực hiện Luật Thủ đô đã tạo ra những biến chuyển tích cực, tạo nền móng xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tập trung phát triển quy hoạch đô thị

Một trong những yêu cầu bức thiết của TP trong quá trình phát triển là thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển và quản lý giao thông vận tải. Thực hiện Luật Thủ đô về vấn đề này, HĐND TP đã ra Nghị quyết 03/2013/NĐ-HĐND, ban hành quy định về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe và các phương tiện cơ giới khác... Kết quả, TP đã đưa vào sử dụng tuyến đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ để xe buýt hoạt động tách biệt khỏi dòng giao thông chung, đảm bảo an toàn, thuận lợi, đưa vào sử dụng điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt. Mở rộng vùng phục vụ, chủ yếu là các khu vực ngoại thành, các khu đô thị, khu công nghiệp.
Xây dựng và phát triển giao thông đô thị để Thành phố ngày càng khang trang, hiện đại.  Trong ảnh: Đường dẫn cầu Vĩnh Tuy.      Ảnh:  Hùng Huy
Xây dựng và phát triển giao thông đô thị để Thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Đường dẫn cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Hùng Huy
Với 2 quyết định của UBND và 1 Nghị quyết của HĐND TP cụ thể hóa Luật Thủ đô, Hà Nội đã mở ra cơ hội hình thành các trường chất lượng cao bao gồm cả giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. TP đã trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất cả nước đến thời điểm này ban hành được bộ tiêu chí trường chất lượng cao. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng thành công 35 trường chất lượng cao vào năm 2015. Cùng với 3 quy định liên quan đến xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao nói trên, ngay đầu tháng 7/2013, trên cơ sở chủ động chuẩn bị, UBND TP đã trình HĐND TP Hà Nội thông qua 10 Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô. Các nghị quyết quy định tập trung đối với các lĩnh vực cấp thiết như: Giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, thu hút nhân tài, xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ, cải tạo nhà cổ, biệt thự cũ, quy định về "Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội"...

Đẩy mạnh đưa Luật vào cuộc sống

Bà Nguyễn Thanh Tú - Phó Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, việc triển khai thi hành Luật Thủ đô được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP. Ngày 27/5/2013, UBND TP đã ban hành kế hoạch giao Sở Tư pháp làm đầu mối phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên địa bàn TP. Trong đó, yêu cầu phổ biến sâu rộng tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về nội dung cơ bản và các văn bản quy định chi tiết thi hành. TP đã tổ chức 3 Hội nghị tập huấn Luật Thủ đô cho 400 báo cáo viên pháp luật và 200 phóng viên, biên tập viên các báo, đài. Tính đến ngày 1/7/2014, 100% các sở, ngành, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, người lao động... bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng. Nhờ đó, Luật Thủ đô đã được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tăng cường trách nhiệm ý thức trong việc thực hiện tốt các quy định của Luật Thủ đô, bước đầu phát huy hiệu quả, phát triển Thủ đô như mục đích đề ra của Luật.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: Thời gian tới, để đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng các văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô hoàn thiện trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền để kịp thời triển khai trên thực tế. Đồng thời, tổ chức khảo sát, nghiên cứu đề xuất bổ sung một số quy định của Luật nhằm nâng cao hơn nữa việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.