Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo dựng văn hóa đọc - dễ hay khó?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tạo dựng văn hóa đọc có vẻ như thêm khó khi internet “bùng nổ”, phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm.

Điều này đã được chứng minh từ những nỗ lực âm thầm, bền bỉ, tâm huyết của nhiều cá nhân và cả cộng đồng.

Nhen nhóm say mê

Lớp 5D, trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) có một tủ sách hết sức đặc biệt. Tủ sách đã hơn 3 tuổi ấy ra đời từ tâm huyết của cô giáo Vũ Thị Thu Thủy. Vì yêu sách và mong tình yêu sẽ được nối dài đến những cô cậu học trò, cô Thủy bắt đầu hành trình “gieo say mê” bằng việc xây dựng tủ sách trong lớp học. 
Độc giả tham khảo sách tại Hội chợ Sách Hà Nội.  	Ảnh: Hải Linh
Độc giả tham khảo sách tại Hội chợ Sách Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Hàng trăm đầu sách văn học, lịch sử, khoa học, kỹ năng sống… được cô chọn lựa, cùng những tiết đọc sách được bố trí linh hoạt hàng ngày, hay các buổi trao đổi thảo luận về sách thường xuyên được tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích và lý thú cho học sinh. Với cô Thủy “để các con vào đời trở thành những người tử tế còn quan trọng hơn là trao cho các con những điểm số 9, 10”. Và đọc sách chính là cách mà cô mở cánh cửa cho các em đến với tri thức cùng với những bài giảng của mình.

Cũng như cô Thủy, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã truyền niềm say mê đọc cho các em nhỏ bằng nhiều hoạt động thú vị từ Câu lạc bộ “Sách ơi mở ra” mà chị làm chủ nhiệm. Sứ mệnh của dự án được xác định là lan tỏa tinh hoa của sách và giá trị của việc đọc sách đến với trẻ em; Giúp trẻ em xây dựng thói quen đọc sách, yêu đọc sách, biết cách đọc sách thông minh và hiệu quả, đồng thời tạo dựng một cộng đồng lớn mạnh, phát triển bền vững về “văn hóa đọc” để rồi từ đó chia sẻ, chung sức mang đến những cơ hội đọc sách cho trẻ em khó khăn… Và chuỗi các không gian đọc sách cộng đồng của “Sách ơi mở ra” cũng đã thu hút nhiều bạn đọc. Song song với việc mở các lớp Đọc sách và xây dựng Tủ sách tình thương, hoạt động Trải nghiệm chính là kênh học tập hiệu quả, lý thú mà cộng đồng “Sách ơi mở ra” đã và đang triển khai được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh và các con.

Rồi những địa chỉ của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, hay Câu lạc bộ Ô xinh… tại Hà Nội lâu nay cũng đã trở thành những điểm hẹn cho trẻ nhỏ. Chủ nhân của Câu lạc bộ Ô xinh - chị Lê Thị Thanh Thủy cho biết: "Ô xinh đã thu hút được hơn 300 bạn đọc nhỏ tuổi, duy trì các buổi sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú. Không dừng lại ở phạm vi câu lạc bộ, Ô xinh còn lan tỏa thói quen, niềm ham thích đọc sách cho các em nhỏ trong các tiết sinh hoạt Đội tại trường Thực nghiệm Hà Nội với các hoạt động trao đổi, hướng dẫn đọc sách khá thú vị".

Tạo nên một cộng đồng đọc sách bắt đầu từ những đứa trẻ, đó là cách mà những chủ nhân của câu lạc bộ đọc sách, những thầy cô tâm huyết đã và đang cất công gây dựng. Và “quả ngọt” cho những người “gieo mầm” ấy là tình yêu sách đang nhen nhóm, lớn dần trong rất nhiều học trò.

 
Tôi may mắn được học và làm việc trong một thời gian dài tại Đức, nơi mà văn hóa đọc được coi trọng như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Người Đức rất chăm đọc sách. Họ đọc ở mọi nơi, mọi chỗ, từ tàu điện, máy bay hay trên tàu hỏa. Đáng chú ý là họ còn có rất nhiều các câu lạc bộ đọc sách như công nhân đọc, giáo viên đọc, câu lạc bộ của các nhà báo… với các hoạt động phong phú và thú vị. Ở Đức, các buổi gặp gỡ giao lưu thường xuyên được tổ chức đã khiến cho quan hệ giữa các tác giả với độc giả rất gắn bó. Chúng ta nên học tập mô hình đọc sách này không chỉ ở các thư viện mà còn ở các phường, xã, cơ quan, tòa báo, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa các tác giả - độc giả, kéo bạn đọc đến với sách nhiều hơn. 
Nhà văn, nhà báo Trần Đương
Đưa độc giả đến gần hơn với sách

Sự ra đời của Ngày sách Việt Nam (21/4 hàng năm) cùng nhiều hoạt động hưởng ứng của các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực trong việc khuyến khích, gây dựng, phát triển văn hóa đọc, mở ra một tương lai mới cho văn hóa đọc. Qua các hoạt động trưng bày, triển lãm, giao lưu tại các hội sách được tổ chức đã cho thấy nỗ lực của cộng đồng trong việc tạo dựng văn hóa đọc.

Chỉ trong năm 2015 này, tiếp sau Hội sách lần thứ 2 chào mừng Ngày sách Việt Nam được tổ chức tại Công viên Thống Nhất vào tháng 4, Hội sách chào Hè 2015 tại Công viên nước Hồ Tây, công chúng Thủ đô lại hân hoan với Hội sách quốc tế do Cục Xuất bản tổ chức. Và chỉ 2 tuần sau khi sự kiện khép lại, Hội sách Hà Nội 2015 với chủ đề “Sách và di sản” lại được mở ra tại Hoàng thành Thăng Long với sự quy tụ 180 gian hàng của các đơn vị xuất bản, phát hành cả nước, với hơn 2 vạn đầu sách và khoảng 20 sự kiện hội thảo, giao lưu. Chứng kiến những dòng người đổ về các hội sách cùng nhau xem sách, đọc sách, mua sách thấy mừng vì bạn đọc không thờ ơ với sách, thấy vui vì văn hóa đọc dường như vẫn còn bám rễ rất chắc trong đời sống. Chợt nhớ lời của TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà: “Qua Hội sách, chúng ta đã có được lời giải cho bài toán khó nhất thời đại: Văn hóa đọc của chúng ta có xuống cấp hay không? Câu trả lời đó là: Không”.

Rõ ràng, văn hóa đọc chưa mất, và sự vào cuộc, chung tay góp sức của các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương trong việc tổ chức Hội sách trong thời gian gần đây đã cho thấy những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng văn hóa đọc tại cộng đồng. Tuy nhiên, như ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định tại lễ khai mạc Hội sách Hà Nội 2015: “Để Nhân dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách; những người viết, những người làm công tác xuất bản, in, phát hành có cơ hội giao lưu, quảng bá và phát triển thương hiệu; để văn hóa đọc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước cần quan tâm một cách thiết thực đến văn hóa đọc, đầu tư tổ chức nhiều hơn nữa Ngày sách, các Hội sách, Phố sách, Đường sách...”. Và có lẽ không thể không nhắc tới đó là những người “gieo mầm” văn hóa đọc. Họ chính là người tỏa lan và nhen nhóm tình yêu với sách, để dòng chảy của văn hóa đọc mãi còn qua những tháng năm.
Trẻ con có trí tò mò bẩm sinh, đó là tiềm năng đọc sách. Vấn đề là người lớn phải làm thế nào để biến tiềm năng đó thành hiện thực. Để trẻ thích đọc sách cần phải biến việc đọc sách trở thành một niềm vui, một niềm thôi thúc bên trong mỗi đứa trẻ. Sau nữa, cần có một cộng đồng chia sẻ để niềm vui ấy được nhân rộng, lan tỏa, thành một thứ cảm hứng mạnh mẽ. Quan trọng hơn, chúng chỉ có thể thấy hứng thú trong việc đọc, khai thác hết những giá trị của sách khi chúng biết cách đọc sách hiệu quả, khi nhờ đọc sách, chúng biết phát huy tối đa khả năng tư duy, ngôn ngữ, khả năng tương tác của mình.
 TS Nguyễn Thị Ngọc Minh